Bộ KH&CN thông tin việc chuyển giao khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trình Chính phủ về Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội sau khi nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Lộ trình chuyển giao sẽ được xem xét để có thời điểm chuyển giao phù hợp nhất.

0e7e4a2c4b199747ce08-1680700161102310085995-1-1680797021.jpg
Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ KH&CN - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Thông tin được Bộ KH&CN thông báo tại Họp báo thường kỳ quý I/2023 diễn ra chiều 5/4 tại Hà Nội do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì.

Lộ trình chuyển giao sẽ được xem xét ở thời điểm phù hợp

Căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình/kế hoạch công tác của bộ, trong quý II/2023, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Trong đó, có Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN. Khu có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng.

Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ tự động hóa. Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.

Việc phát triển khu Công nghệ cao Hoà Lạc gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, hình thành khu đô thị, phát triển giao thông... 

Đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy khu công nghệ cao còn thấp. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, khi khu Công nghệ cao được chuyển giao về TP. Hà Nội, hy vọng vẫn giữ được vai trò, sứ mệnh ban đầu khi thành lập đó là khu công nghệ lõi, bám sát mục tiêu phát huy năng lực nội sinh về khoa học công nghệ của đất nước.

Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ KH&CN) cũng thông tin, hiện, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút 104 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng gần 100.000 tỷ đồng, thu hút gần 30.000 nhân lực.

Về lộ trình chuyển giao, theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đến thời điểm này, Bộ KH&CN đã trình Đề án lên Chính phủ sau khi nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Lộ trình chuyển giao như nào cho phù hợp đã được phân tích, đánh giá tác động, trong đó có những tác động liên quan đến cơ chế chính sách, tác động liên quan tới nguồn lực đầu tư, tổ chức bộ máy con người. Từ đó có đề xuất Chính phủ xem xét để quyết định trên cơ sở sự sẵn sàng của Hà Nội để quyết định thời điểm chuyển giao phù hợp nhất.

05598d128c2750790936-16807000922092108238951-1-1680797040.jpg
Bộ KH&CN cho biết đã xây dựng và thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022 tại 18 địa phương - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

 

Tiếp tục chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Chánh văn phòng Bộ KH&CN Đỗ Thành Long, trong quý I/2023, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Bộ KH&CN cũng hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 văn bản/đề án, bao gồm: Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Đề án thu hút và phát huy hiệu quả các nhà khoa học, công nghệ và chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiện đại và hội nhập.

Với mục tiêu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030, các chương trình hành động của bộ đã được triển khai. Nổi bật là việc xây dựng và thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022 tại 18 địa phương.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho biết, Việt Nam hiện nay đang sử dụng GII (Chỉ số đổi mới sáng tạo) như công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chỉ số GII của Việt Nam năm 2022 cũng chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức còn tồn tại. Từ đó, các bộ, cơ quan, địa phương hiểu rõ hơn và tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đã đặt ra và phân công cho các bộ, cơ quan và địa phương.

Tại cuộc họp cũng đặt ra một số thách thức khi khoa học công nghệ và đổi mới phát triển như trí tuệ nhân tạo (AI) hay việc thu hút nguồn lực tri thức Việt Nam ở nước ngoài. Trả lời báo chí, ông Bùi Thế Duy cho biết, trong 2 năm gần đây, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Những tập đoàn công nghệ như FPT, Viettel, Vingroup… cũng đang mạnh tay bỏ tiền vào nghiên cứu và phát triển AI. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là chúng ta chưa đủ nhân lực cả bề rộng và chiều sâu về lĩnh vực này trong cuộc chạy đua với thế giới.

"Chúng tôi đã cùng các chuyên gia của Australia xây dựng thành công nền tảng hệ thống chuyên gia người Việt trên toàn thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nền tảng này thường xuyên cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới. Chúng tôi đang tiếp tục nền tảng này trong giai đoạn 2 để hoàn thiện đề án trình Chính phủ thời gian tới", Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ.

Minh Ngọc

Link nội dung: https://vsta.org.vn/bo-khandcn-thong-tin-viec-chuyen-giao-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-ve-tp-ha-noi-22969.html