Trong chuyến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chủ trương hướng tới nghiên cứu công nghệ mới như chip, bán dẫn hay thành lập khu trung tâm thiết kế vi mạch là hướng đi đúng. Hiện mỗi năm Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo được hơn 1.000 kỹ sư liên quan ngành này và có 12.000 kỹ sư trong vòng 10 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh ba chiến lược không thể đi chậm, đó là đẩy mạnh đột phá nhân lực, thể chế và hạ tầng, trong đó cần phát triển nhanh và đột phá nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phải toàn diện, từ nhân lực nghiên cứu cơ bản đến quản lý, thực hành, nhưng cũng phải cân bằng với điều kiện phát triển của đất nước.
Ông cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội thành đại học thông minh, liên ngành, đảm bảo vừa nghiên cứu khoa học, học tập ứng dụng, vừa tiếp tục chính sách thí điểm thương mại hoá sản phẩm...
Ông đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục xây dựng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở các ngành tự nhiên - xã hội, khoa học cơ bản. Song song đó, phát triển và chú trọng một số ngành mới nổi, như tuần hoàn xanh, chuyển đổi số và thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng khuyến khích sinh viên tham gia vào các ngành khoa học cơ bản và gửi gắm đến các sinh viên rằng "cần trau dồi và cập nhật các thông tin về xu thế mới để nghĩ sâu làm tốt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên".
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, với thế mạnh về khoa học cơ bản, khoa học vật liệu, không gian mới tại Khu đô thị Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội có cơ hội và tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao.
Trường có 550 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và 630 sinh viên tốt nghiệp các ngành gần với ngành vi mạch, tổng số hơn 12.000. Hiện có 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực này.
Bên cạnh công nghệ thiết kế, chế tạo bán dẫn cũng được các nhà khoa học quan tâm với một số sản phẩm công nghệ vật liệu màng mỏng, công nghệ cảm biến hồng ngoại, công nghệ cảm biến từ trường.
Trong tương lai, trường tiếp tục triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên, trong đó tập trung vào các lĩnh vực gắn liền với doanh nghiệp, như công nghệ thông tin, y sinh, nông nghiệp công nghệ cao.
Như Quỳnh
Link nội dung: https://vsta.org.vn/thu-tuong-tap-trung-nhan-luc-cho-cong-nghe-chip-vi-mach-la-huong-di-dung-22996.html