Nhân ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) và hướng đến Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), VnExpress đã phỏng vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về những khó khăn, thách thức, giải pháp để khoa học công nghệ đóng góp hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế.
- Trong bối cảnh phát triển hiện nay khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng. Ở vị trí trưởng ngành ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Có thể thấy trong giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là "đột phá chiến lược", "động lực chính" để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Định hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng khoa học và công nghệ (KH&CN) trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới, để không tụt hậu, phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn, đóng góp hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển quốc gia trong trung, dài hạn.
Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của các công nghệ mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt dưới tác động của những năm đại dịch Covid-19, tạo ra các thay đổi đột phá trong các quy trình sản xuất, phương thức điều hành kinh tế - xã hội và đời sống con người, đồng thời cũng đặt ra thách thức rất lớn với các nước đang phát triển như Việt Nam khi trình độ và nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, vấn đề Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) và Khoa học mở (Open Science) với triết lý thúc đẩy sự chia sẻ, sử dụng chung các dữ liệu thử nghiệm và thành quả nghiên cứu KH&CN đang trở thành một xu hướng quốc tế rộng khắp và tác động mạnh mẽ tới chính sách phát triển KH&CN của các quốc gia.
- Trong xu thế đó KH&CN Việt Nam đứng trước những thách thức nào, thưa ông?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận, năng lực và trình độ KH&CN của nước ta còn yếu và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với thế giới, trừ một số lĩnh vực khoa học vốn có thế mạnh. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ chưa có sự gắn kết và phát triển đồng bộ. Số bằng sáng chế của người Việt Nam còn thấp, số lượng công bố quốc tế tuy tăng cao những năm gần đây nhưng vẫn thua kém các nước tiên tiến trong khu vực. Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn yếu. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có nhiều triển vọng, nhưng số lượng khá khiêm tốn, chưa có nhiều doanh nghiệp kỳ lân (Unicorn) đạt giá trị trên 1 tỷ USD.
Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN dù có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy không chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến, nhất là trong quản lý tài chính. Hiệu quả hoạt động của các cơ sở nghiên cứu KH&CN còn khiêm tốn, thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, các công trình khoa học lớn ở tầm khu vực, quốc tế. Thị trường công nghệ, quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu - trường đại học với doanh nghiệp phát triển ở mức thấp, tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN chưa cao.
Mặc dù vậy, cũng cần ghi nhận trong những năm qua, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động KH&CN có những thay đổi tích cực. Tư duy quản lý KH&CN được đổi mới tiến bộ. Hoạt động đổi mới sáng tạo được chú trọng; khởi nghiệp dựa trên ý tưởng công nghệ, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới được khuyến khích; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy phát triển. Tinh thần khoa học mở, nâng cao nền tảng tri thức của người Việt, chủ động ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp mới được động viên mạnh mẽ.
Doanh nghiệp dần được xem là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia, được khuyến khích thành lập quỹ phát triển KH&CN và tham gia hợp tác công - tư triển khai nhiệm vụ KH&CN nhằm tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị mang thương hiệu Việt. Xu hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo rất mạnh mẽ của Chính phủ đã cổ vũ các doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư chiến lược cho công nghệ công nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Xu thế này làm gia tăng tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp và xã hội cho KH&CN, mở ra triển vọng để Việt Nam có thể nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, rút ngắn khoảng cách với các nước khu vực và thế giới.
Các nỗ lực tháo gỡ vướng mắc và đổi mới toàn diện trong quản lý đầu tư và tài chính, cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN, chính sách đối với cán bộ khoa học dù còn nhiều thách thức trong thực tiễn triển khai nhưng đã có tác động tích cực tới tiềm lực và trình độ KH&CN trong nước. Các viện nghiên cứu tiên tiến và chương trình KH&CN tầm chiến lược được hình thành và triển khai cả ở khu vực công và tư. Số lượng bài báo khoa học được công bố quốc tế tăng nhanh; công nghệ mới, công nghệ cao được ứng dụng sâu rộng hơn trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhưng lực lượng KH&CN cũng đã có những đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã luôn vươn lên vị trí dẫn đầu trong xếp hạng về năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu những năm qua.
- Theo ông điều gì đang cản trở sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo?
- Cần thừa nhận rằng, KH&CN Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó, phải kể tới một số điểm nghẽn cơ bản sau:
Trước hết, cầu công nghệ kém do cạnh tranh và tăng trưởng của doanh nghiệp chưa dựa vào nhân tố công nghệ mà còn dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và các lợi ích ngắn hạn. Đây là điểm yếu chung của các nền kinh tế thuộc nhóm sơ khởi, trong đó có Việt Nam, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về mức độ sẵn sàng cho tương lai của nền sản xuất trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giải pháp kích cầu cũng gặp thách thức rất lớn do đa số doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, thiếu tầm nhìn dài hạn, nhân lực trình độ cao, thông tin và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ.
Vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức KH&CN công lập làm giảm động lực phát triển của các tổ chức này. Tự chủ về tài chính không nên được hiểu là tự bảo đảm về tài chính hay tự cung, tự cấp trong KH&CN, dẫn tới cắt giảm tối đa ngân sách nhà nước, giảm số lượng tổ chức KH&CN được nhận kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách. Theo thông lệ quốc tế, các cơ sở nghiên cứu công lập phải được đảm bảo nguồn đầu tư cơ bản quan trọng từ ngân sách nhà nước bên cạnh các khoản thu hợp pháp khác được khuyến khích từ nguồn liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, nguồn tài trợ nghiên cứu trong nước và từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, tư duy không chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, dẫn tới các khó khăn trong đánh giá hiệu quả nhiệm vụ KH&CN và yêu cầu hoàn chi ngân sách. Đặc thù của khoa học là quá trình thử và sai, có độ trễ, đôi khi tính bằng thập kỷ, để kết quả KH&CN được ứng dụng thành công và mang lại giá trị gia tăng. Tư duy quá xem trọng việc bảo toàn và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách mà không tính đến các lợi ích to lớn, gián tiếp và trong dài hạn mà KH&CN mang lại cho xã hội là một cản trở trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động KH&CN.
- Những khó khăn đó cần được tháo gỡ thế nào?
- Có thể thấy cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng Khoa học mở và Đổi mới sáng tạo mở, dư chấn của đại dịch Covid-19 và bối cảnh thế giới hiện đại đầy bất ổn, bất định, bất thường đã và đang tạo nhiều sức ép và thách thức rất lớn đối với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, linh hoạt thích ứng và hành động kịp thời, một mặt kiên trì các giải pháp tăng cường tiềm lực KH&CN trong dài hạn, mặt khác bằng mọi giá chúng ta phải tìm cách đi riêng để phát triển bứt phá.
Cần kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp dài hạn trong tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kể cả việc phát triển hạ tầng số và kinh tế số.
Từ góc độ chính sách, cần chú trọng tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước đối với các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác công - tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trước hết với các tập đoàn công nghệ công nghiệp lớn trong nước.
Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập phù hợp với thông lệ quốc tế. Trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá; kiên quyết giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả để tập trung nguồn lực đầu tư cho các đơn vị mạnh. Tăng cường cơ chế giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hóa tài chính và chi tiêu nội bộ trong các tổ chức KH&CN. Tạo điều kiện để các viện, trường, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, được tiếp cận cơ sở dữ liệu mở của Chính phủ và các bộ, ngành và mạng lưới tri thức toàn cầu để giảm thiểu nghiên cứu trùng lặp và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư cho KH&CN trong điều kiện chi phí thấp.
Tôn trọng đặc thù về tính rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học để đổi mới phương thức quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN; có phương pháp đo lường, đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế về kết quả, hiệu quả và tác động của hoạt động KH&CN. Thực hiện nguyên tắc trao quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho các viện nghiên cứu, trường đại học theo cơ chế tự động, không qua cấp phép, không bồi hoàn chi phí đầu tư ban đầu, trừ các trường hợp Nhà nước bắt buộc phải nắm quyền sở hữu. Tuy nhiên, xác định rõ và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên trong thương mại hóa kết quả nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm quyền lợi của chủ thể sáng tạo nhưng không quên nguyên tắc tái đầu tư trở lại cho hoạt động KH&CN chung của cơ quan chủ trì và ngân sách nhà nước.
Nhìn vào nguồn vốn con người trong lĩnh vực KH&CN, bên cạnh đội ngũ cán bộ KH&CN đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước, Việt Nam có một nguồn lực vô cùng quý báu và đầy tiềm năng đó là lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. Vấn đề là làm thế nào để kết nối có hiệu quả hai nguồn lực này, thúc đẩy dòng lưu chuyển kỹ năng và ý tưởng sáng tạo của nguồn lực trí tuệ Việt Nam bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia để bổ sung lẫn nhau, cùng hợp tác vì các mục tiêu phát triển đất nước.
Muốn vậy, chúng ta cần cách tiếp cận tổng thể và dài hạn. Cần tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo (Co-creation Ecosystem) thực sự lành mạnh ở trong nước, kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến, giao nhiệm vụ xứng tầm và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với các cơ hội nghề nghiệp, sinh sống thuận lợi cho nhà khoa học. Việc đảm bảo môi trường học thuật tiên tiến và tự chủ trong nghiên cứu, văn hóa chấp nhận rủi ro, thử và sai trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu cũng góp phần quan trọng khuyến khích, động viên các tài năng khoa học Việt Nam trong nước và ở nước ngoài phát huy sáng tạo.
Hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo trong xã hội. Đây là yếu tố gốc, định hình thói quen tư duy của người Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Văn kiện Đại hội XIII khi định hướng về phát triển văn hóa cũng đã nhấn mạnh "Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước".
Trong thời đại Công nghiệp 4.0, không phải công nghệ mà chính là vốn trí tuệ, vốn con người sẽ quyết định thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước. Nếu như quốc gia khởi nghiệp khuyến khích tinh thần doanh nhân và sự ra đời của các doanh nhân thế hệ mới và doanh nghiệp khởi nghiệp, thì ở một mức độ cao hơn, quốc gia sáng tạo khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo và sự tích lũy nguồn vốn trí tuệ quốc gia với các thế hệ con người Việt Nam mới có tư duy sáng tạo, dám dấn thân để theo đuổi đam mê, khát vọng, dám bước ra khỏi vùng an toàn và chấp nhận rủi ro, thất bại để đến đích thành công, biến giấc mơ thành hiện thực.
Với tinh thần đó, tư duy tươi mới và ý tưởng sáng tạo của người trẻ cần được tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy, phát triển thành các giá trị gia tăng lớn cho cộng đồng, xã hội. Trong KH&CN, cần có cơ chế mạnh dạn giao cho cán bộ khoa học trẻ tài năng chủ trì các nhiệm vụ quy mô lớn (tăng trọng số điểm đối với chủ nhiệm đề tài/dự án là người trẻ); hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh được dẫn dắt và tập hợp bởi các nhà khoa học trẻ tài năng; khuyến khích các trường đại học phát triển các vườn ươm, xưởng thiết kế, các không gian sáng tạo chung nơi sinh viên năm cuối được thực hành ý tưởng sáng tạo, tham gia giải quyết các đặt hàng của doanh nghiệp. Thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khuôn viên đại học.
Cuối cùng, cần tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, tăng cường sự gắn kết giữa các ngành KH&CN để đủ năng lực đóng góp mạnh mẽ hơn cho các mục tiêu phát triển đất nước. Giữ nguyên tắc coi trọng khoa học xã hội và nhân văn, đầu tư nền tảng cho khoa học tự nhiên, ưu tiên khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Đối với khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục bảo đảm cung cấp được luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước và bồi đắp, phát huy các giá trị văn hóa, xã hội và con người Việt Nam.
Với khoa học tự nhiên, cần hướng tới xây dựng được nền tảng khoa học tự nhiên hiện đại, gia cố năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu để làm tiền đề sẵn sàng đón đầu các ứng dụng KH&CN tiên phong ở trình độ cao.
Với khoa học kỹ thuật và công nghệ, cần tiến tới làm chủ, ứng dụng và phát triển được các công nghệ có khả năng ảnh hưởng quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng và tính cạnh tranh cao, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong nước mà còn chinh phục được thị trường khu vực và toàn cầu.
Với quy mô và trình độ của một nền kinh tế còn ở mức trung bình thấp so với thế giới, nhu cầu ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu KH&CN vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải tập trung ngay cho các ngành nghiên cứu ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, các thách thức lớn thời hiện đại như mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, suy kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái về đạo đức và văn hóa không chỉ cần các đột phá công nghệ mà còn đòi hỏi các giải pháp từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Các công nghệ mới thời cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ thực sự trở nên hữu ích khi con người biết sử dụng công nghệ vào các mục đích phù hợp.
Đó là lý do chúng ta cần một tầm nhìn chiến lược cho những thập kỷ tới và có kế hoạch đầu tư hợp lý cho các ngành nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn song song với các ưu tiên trong nghiên cứu ứng dụng để phát triển công nghệ, cùng hiệp đồng sức mạnh để xây dựng được một nền tảng vững chắc cho ngôi nhà KH&CN của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững đất nước.
Hương Giang
Link nội dung: https://vsta.org.vn/bo-truong-huynh-thanh-dat-tao-he-sinh-thai-dua-khoa-hoc-cong-nghe-but-pha-23026.html