Buổi tọa đàm do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cần Thơ phối hợp tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng, đề xuất các chính sách, giải pháp giúp thúc đẩy phát triển KH&CN của TP Cần Thơ.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong những khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Cần Thơ xác định 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 – 2025, trong đó, khâu đột phá thứ ba là tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu. ĐMST, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh.
“Với vị trí trung tâm, TP Cần Thơ đang chủ động phối hợp triển khai nhiều dự án trọng điểm; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương và các viện trường, tích cực xúc tiến làm việc với các tập đoàn, các DN ngoài nhà nước để kêu gọi đầu tư; tăng cường đầu tư, nghiên cứu ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và công nghệ số”, ông Trần Việt Trường thông tin.
Nhìn nhận thực tế quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho rằng bên, cạnh những lợi thế, ưu điểm, TP Cần Thơ vẫn còn những hạn chế, khó khăn, rõ nhất là sự phát triển chưa mang tính đột phá, chưa xứng tầm với tiềm năng lợi thế.
Năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm trong khi các ngành có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao; dịch vụ logictics phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ…
Để đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 từ 9,5 đến 10,5%; lao động đã qua đào tạo đạt từ 85 - 90%, GRDP đến năm 2030 ước đạt 228,4 triệu đồng… ngoài việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành thì giải pháp cần tập trung thực hiện đó là đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Theo GS,TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) là nội dung quan trọng được Đảng ta quyết liệt chỉ đạo, triển khai để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH là giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, trong bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước về “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng KHCN mới và ĐMST” và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) là một trong những đơn vị phối hợp nghiên cứu.
Là một trong 5 TP trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng KH&CN, công nghệ thông tin, thúc đẩy ĐMST, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số… Từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp dịch vụ dựa trên ứng dụng KHCN và tăng cường ĐMST.
Kết luận buổi tọa đàm, GS,TS Trần Thị Vân Hoa, thành viên Hội đồng lý luận trung ương cho rằng, buổi tọa đàm có nhiều ý kiến rất hữu ích, giúp nhóm nghiên cứu có cơ sở hình dung, phác họa những công việc sắp tới của TP Cần Thơ và ĐBSCL. Từ đó, nghiên cứu làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn CNH, HĐH của TP Cần Thơ trên nền tảng KHCN và ĐMST, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Hòa Minh
Link nội dung: https://vsta.org.vn/phat-trien-can-tho-tren-nen-tang-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-23108.html