Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ môi trường

Sáng 29-6, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023. Các chuyên gia đề nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường...

Khách mời tham gia tọa đàm.
Khách mời tham gia tọa đàm.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến gắn liền với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hướng tới xây dựng một nền kinh tế "xanh" và hiện đại.

Việc phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo, song hành với các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng, qua đó góp phần từng bước giải quyết bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam; giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ môi trường ảnh 1

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng và môi trường tại Việt Nam. Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó một trong 4 lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ là năng lượng và môi trường.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định số 2117/QĐ-TTg và các quy định khác của pháp luật liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng và môi trường.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ môi trường ảnh 2

Khách mời tham gia tọa đàm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng tái tạo.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường trong và ngoài nước cũng đã giới thiệu các giải pháp như: Công nghệ trong sản xuất điện rác sinh khối, Hydro xanh và thu hồi carbon; công nghệ xử lý Solar panel; giải pháp kiểm soát vận hành rác thải thành năng lượng và xử lý nước thải được hỗ trợ bởi AI; giảm thiểu tác động của nguồn vRE đến lưới điện hiện nay; giải pháp chuyển đổi Biomass và rác thải thành năng lượng.

TUẤN ANH

Link nội dung: https://vsta.org.vn/day-manh-nghien-cuu-phat-trien-cong-nghe-moi-truong-23336.html