Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm

Đây là chủ đề Hội thảo do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) tổ chức ngày 24/7/2023 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc; các nhà nghiên cứu tại KIST, VKIST và các viện nghiên cứu trong nước.

Hội thảo nhằm thực hiện nhiệm vụ là cầu nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu chia sẻ, học tập, thảo luận về việc phát triển ứng dụng nguồn tài nguyên thực vật Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng phụ trách VKIST cho biết: Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật rất phong phú và đa dạng, đang được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện VKIST đang tập trung cho hai lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến hệ thực vật Việt Nam là công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm.

Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như quế, hồi, thảo quả, nghệ… Tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi không ngừng tăng, đạt 276 triệu USD vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dược liệu thành một ngành kinh tế.

Ngoài ra, hằng năm Việt Nam còn xuất khẩu hàng trăm tỷ USD các loại lương thực, thực phẩm, gia vị như gạo, cà phê, chè, sầu riêng, tiêu, ớt, trái cây, cá, tôm… Tổng lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam ước tính gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn sau thu hoạch từ trồng trọt, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (38,7%); 6 triệu tấn từ lâm nghiệp (3,7%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Những con số này cho thấy tiềm năng và giá trị của phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Các nhà khoa học của VKIST và KIST chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

“Hy vọng thông qua Hội thảo này, các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu, từ đó tìm được nhiều cơ hội trong việc hợp tác cũng như phát triển hệ thống thương mại hóa sản phẩm tại Việt Nam”- TS. Vũ Đức Lợi chia sẻ.

Các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu.

Hội thảo được chia làm hai phiên song song, gồm: “Phát triển chất hấp thụ có nguồn gốc từ Lignin hoạt tính để xử lý nước, thu hồi kim loại từ phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam” và “Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược Việt Nam”.  Hiện tại, VKIST và KIST đang hợp tác nghiên cứu và có những dự án chung về hai chủ đề này đạt kết quả rất khả quan.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học của VKIST và KIST đã trình bày một số kết quả nghiên cứu ở 2 lĩnh vực này trong đó đáng chú ý như: “Phát triển các sản phẩm thiên nhiên và hoạt tính sinh học từ thảo dược Việt Nam”; “Chuyển đổi hiệu quả sinh khối lignocellulose thành nhiên liệu sinh hóa và hóa chất, sử dụng men biến đổi gen”; “Sử dụng vi sóng trong phenol hóa lignin Klason không tan trong axit và ứng dụng trong kết dính”; “Than hoạt tính từ thảo dược Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất mỹ phẩm”…

 

Link nội dung: https://vsta.org.vn/nghien-cuu-ung-dung-tai-nguyen-thuc-vat-viet-nam-trong-cong-nghe-moi-truong-va-duoc-my-pham-23418.html