Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân tại tỉnh Đồng Tháp về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm. (Ảnh: CropLife) |
Liên hợp quốc gần đây đã công bố Báo cáo về Tình trạng an ninh lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới (SOFI) năm 2023. Theo đó, năm 2023, ước tính có từ 691 đến 783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói và châu Á là khu vực có tỷ lệ người dân chịu đói cao nhất, chiếm hơn một nửa (55%).
Thêm vào đó, khoảng 2,4 tỷ người - tương đương 29,6% dân số toàn cầu - bị mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng vào năm 2022, trong đó số lượng này ở châu Á là hơn 1,1 triệu người. Ngoại trừ châu Âu và Bắc Mỹ, tình trạng mất an ninh lương thực ở nông thôn đều cao hơn thành thị ở tất cả các khu vực khác trên thế giới.
Tại châu Á, tỷ lệ mất an ninh lương thực ở nông thôn là 26,5% và tại thành thị là 21,8%. Với dự báo số người bị suy dinh dưỡng kinh niên vào năm 2030 là gần 600 triệu người, báo cáo đã chỉ ra rằng việc đạt được mục tiêu Phát triển bền vững số 2 - Không còn nạn đói - vẫn là một thách thức lớn.
Khoảng 3,1 tỷ người trên thế giới đang không thể tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh với mức giá phù hợp, chiếm khoảng 42% dân số toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy số người suy dinh dưỡng ở châu Á cao nhất thế giới với 401,6 triệu người. So với năm 2020, chi phí để có một chế độ ăn uống lành mạnh năm 2021 đã tăng 4,3% trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, trong khi chi phí trung bình trên đầu người để có một chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày là 3,66 USD trên toàn thế giới, thì những người dân ở khu vực châu Á đang phải trả mức cao hơn, là khoảng 3,9 USD.
Tiến sĩ Tan Siang Hee, Giám đốc điều hành CropLife châu Á cho biết: "Mất an ninh lương thực chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra khó khăn lớn cho nhiều người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Khi chắc chắn sẽ không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết vấn đề phức tạp này, CropLife châu Á và các thành viên cam kết giới thiệu những công nghệ và cải tiến để nông dân có nhiều công cụ hơn để sản xuất được nguồn thực phẩm lớn hơn, nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn và hạn chế bớt những tác động tiêu cực lên môi trường xung quanh.
Bảo đảm mọi người đều có quyền tiếp cận đến các nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng với giá cả phải chăng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị thực phẩm để cùng giải quyết vấn đề này”.
Các ứng dụng khoa học thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là khi nông dân phải đối mặt với các hình thái thời tiết không thể dự đoán trước; quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Trong số rất nhiều ứng dụng đó, giải pháp tăng cường đặc tính sinh học cho một số cây trồng chính sẽ là một cải tiến quan trọng bởi đây là nguồn thực phẩm thiết yếu giúp cung cấp các vi chất và dinh dưỡng cần thiết cho người tiêu dùng.
Khi chi phí thực phẩm ngày càng tăng, nhiều người có thể không được tiếp cận hoặc không đủ khả năng mua những loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thì việc tiêu thụ thực phẩm cơ bản từ những cây trồng chính có các đặc tính sinh học cải tiến sẽ giúp đáp ứng lượng dinh dưỡng cần thiết cho tất cả mọi người.
Hơn thế nữa, việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm bảo vệ thực vật (hoặc thuốc bảo vệ thực vật) vẫn rất quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng khỏi dịch bệnh và duy trì năng suất nông nghiệp. Nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, 70% năng suất cây trồng có thể đã bị mất do sâu hại, dịch bệnh và cỏ dại.
Được biết, vào tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife châu Á đã ký kết Bản Ghi nhớ Hợp tác triển khai Chương trình Khung Quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững giai đoạn 2023–2028. Đây là một chương trình với quy mô tác động tổng thể, toàn diện và dài hạn nhằm tạo điều kiện để chuyển đổi sang các hệ thống thực phẩm bền vững.
Theo Bản Ghi nhớ, CropLife sẽ tối đa hóa nỗ lực của ngành, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp bảo vệ thực vật bền vững, song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng, đổi mới khoa học trong nông nghiệp.
MINH AN
Link nội dung: https://vsta.org.vn/cai-tien-cong-nghe-nong-nghiep-thuc-day-moi-truong-thuc-pham-lanh-manh-hon-23444.html