Hải Phòng: Xây dựng thành công mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng ven biển trên địa bàn TP Hải Phòng, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Miền Bắc đã đề xuất và được UBND TP Hải Phòng phê duyệt triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu tại Hải Phòng”. Kết quả của đề tài đã ứng dụng thành công mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu, qua đó không chỉ góp phần tối ưu hóa nguồn tài nguyên, cải thiện hiệu quả sản xuất, mà còn đóng góp rất lớn cho kinh tế thủy sản của cả nước.

Cá Song Trân Châu - loài cá có giá trị kinh tế cao

Cá Song Trân Châu là một lại cá biển, sinh sống chủ yếu ở vùng nước nông, rạn san hô và rạn đá trên khắp các vùng biển Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đặc điểm nổi bật của cá Song Trân Châu là sự xuất hiện của những vết sọc và các chấm đồng nhất trên cơ thể, đặc biệt những chấm đen to với đường viền vàng bao quanh trên bề mặt thân.

Việc phát triển cá Song Trân Châu tại Hải Phòng nói riêng và các địa phương khác nói chung hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, cá Song Trân Châu là một loài cá có giá trị kinh tế cao trong ngành thủy sản, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thịt của cá Song Trân Châu có hàm lượng dinh dưỡng cao như protein, vitamin B2, D và E cùng các khoáng chất như canxi, sắt..., thích hợp cho trẻ bị còi xương, chậm phát triển, cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược. Đồng thời, chúng còn là một phương thuốc hữu hiệu chữa các bệnh như tiểu đường, chứng biếng ăn ở phụ nữ sau sinh, bí tiểu, gân xương yếu... Tùy từng thời điểm, cá Song Trân Châu tươi sống có giá dao động từ 300.000 đến trên 400.000 đồng/kg.

Cá Song Trân Châu là loại cá biển chính được nuôi ở hầu hết các vùng ven biển trên cả nước, tuy nhiên, việc phát triển loài cá này tại TP Hải Phòng nói riêng và các địa phương khác nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do sản xuất trứng thụ tinh và giống cá hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp của một số trại giống của Trung Quốc hoặc phải nhập ngoại. Điều này dẫn đến giá cả đắt đỏ, cộng với những rủi ro bởi lệch mùa vụ trong nuôi thả khiến chất lượng giống không đảm bảo. Theo khảo sát, giống cá Song Trân Châu của ngư dân Hải Phòng chiếm khoảng 0,3-0,4 triệu con/năm, trong khi đó nhu cầu của cả nước 7-8 triệu con/năm, dẫn đến phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài. Để góp phần chủ động nguồn cung cấp trứng thụ tinh/giống cá Song Trân Châu chất lượng cao cho các trại sản xuất giống và ngư dân Hải Phòng, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Miền Bắc đã đề xuất và được UBND TP Hải Phòng phê duyệt triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu tại Hải Phòng”. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu (lai giữa cá Song vua và cá Song hổ) trong lồng bè và ao đất.

Nhân giống thành công giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu

Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã phát triển một quy trình sản xuất thực nghiệm giống cá Song Trân Châu. Theo đó, để đạt được mục tiêu sản xuất, nhóm đã áp dụng một số tiêu chuẩn quan trọng như: tại thời điểm nuôi vỗ, chọn cá Song hổ cái hơn 5 kg/con, cá Song vua đực 3-5 kg/con; đảm bảo cá không nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm; cá bố mẹ được nuôi trong lồng kích thước 3 x 3 x 3 m hoặc 3 x 6 x 3 m, kích thước mắt lưới phù hợp. Thức ăn cho cá bao gồm cá tạp tươi kết hợp với các thức ăn giàu dinh dưỡng như cua, mực… với khẩu phần 3-5%, thời gian cho ăn 8-9 giờ sáng, tần suất ăn 2-3 ngày/lần. Thực hiện định kỳ bổ sung vitamin vào thức ăn, vệ sinh lồng lưới 60 ngày/lần và kiểm tra thường xuyên tình trạng sức khỏe của cá để phát hiện kịp thời các bệnh lạ.

Đặc biệt, để tăng cường khả năng sinh sản của cá, tại thời điểm giao phối, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hormone 17 a-MT bơm vào cá mồi để cho cá Song vua ăn với liều lượng 20 ig/kg khối lượng đàn cá. Với cá đực, tiến hành dùng tay vuốt nhẹ từ phía bụng cá xuôi về lỗ sinh dục, nếu thấy sẹ (sựa) đặc màu trắng sữa, dễ tan trong nước và soi dưới kính hiển vi thấy độ hoạt lực cao là có thể cho giao phối. Với cá cái, dùng ống thăm trứng có đường kính 1 mm rồi hút trứng lấy mẫu kiểm tra trên kính hiển vi. Đường kính trứng lớn hơn 420 um, trứng tròn đều, màng trứng tách và hạt trứng rời nhau thì có thể lựa chọn cho đẻ.

Về kỹ thuật sản xuất trứng cá Song Trân Châu, sau khi dùng ống thăm trứng cá Song hổ, nhóm nghiên cứu lựa chọn cá cái có 60% trứng ở giai đoạn này, sau đó tiêm kích dục tố theo liều lượng 500 UI HCG + 25 ig LHRH-a3/kg. Riêng với cá đực, việc thụ tinh cá bằng phương pháp vuốt nặn hoặc hút. Tinh cá đực sau khi thu được chứa trong các xilanh nhựa hoặc ống eppendorf có dung tích 5-20 ml. Giữ các ống chứa tinh này trong thùng giữ nhiệt với điều kiện nhiệt độ khoảng 0-3oC, tránh ánh sáng và gió ảnh hưởng trực tiếp đến các ống chứa tinh. Thu tinh từ 2-3 tiếng trước thời điểm trứng chín, sau đó tiêm kích dục tố. Khi cá cái bụng to, mềm, tiến hành vuốt nặn và thu trứng chín chứa trong các bát nhựa, sau đó tưới và trộn đều tinh và trứng theo tỷ lệ 2-3 ml/0,5 kg trứng. Để 2-3 phút rồi chuyển trứng vào bể thu tinh. Sau 30-60 phút, tiến hành vớt trứng sang bể ấp 1 có độ mặn 28-32%.

Đối với kỹ thuật tách trứng và ấp nở, nhóm nghiên cứu thực hiện thu trứng cá Song Trân Châu từ bể ấp 1 chuyển vào thùng nước biển với độ mặn là 35-36%. Sục khí 15 phút, sau đó tắt khí, để 10 phút rồi vớt những hạt trứng nổi trên mặt để xử lý và loại bỏ trứng bị chìm (trứng bị hỏng). Sau khi tách, trứng thụ tinh được xử lý bằng Iodine với liều lượng 20 ppm trong thời gian 15-20 phút để diệt khuẩn trước khi chuyển vào bể ấp 2. Có thể xử lý trứng bằng Ozone nồng độ 2 mg/l trong thời gian 6-9 phút để diệt vi khuẩn, vi nấm trước khi chuyển vào bể ấp. Mật độ trứng ấp thường là 500 trứng/l, thay nước 100-300%/ngày trong điều kiện môi trường nước có độ mặn 28-32%, nhiệt độ 29oC. Sau quá trình ấp chuyển sang nuôi sinh khối tảo trong các bình cầu 10 lít, bình nhựa 20 lít, túi nilong 50 lít trong môi trường Conway*, ánh sáng đèn neon với chu kỳ sáng/tối là 18/6 giờ, cường độ ánh sáng 8.000 lux, nhiệt độ môi trường duy trì ở 24-26oC, độ mặn 28%, mật độ giống từ 3-5.106 tb/ml. Qua kết quả thực nghiệm, tỷ lệ thụ tinh đạt 80,9-88,9%; tỷ lệ trứng nở đạt 81,3-85,7% và từ cá hương lên cá giống đạt 80,08-88,39%.

Để nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu trong lồng bè và trong ao đất, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình nuôi đều gồm các bước: i) chuẩn bị lồng/ao nuôi; ii) chọn và thả giống (8-10 cm/con); iii) quản lý và chăm sóc (thức ăn, môi trường sống, bệnh tật); iv) thu hoạch. Cụ thể, quy trình nuôi trong lồng bè bao gồm: lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống, khung hình vuông, kích thước mỗi ô lồng là (3 x 3, 3 x 6, 4 x 4 hoặc 5 x 5 m). Lồng được cố định bằng neo ở 4 góc để tránh bị nước và thủy triều cuốn trôi. Bên cạnh đó, để tránh bão, sóng, gió to, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn địa điểm đặt lồng ở khu vực kín như các eo, vịnh, vùng kín gió, có độ sâu tối thiểu là 5 m vào lúc thủy triều xuống thấp nhất và đáy là cát hoặc sỏi; có dòng chảy của thủy triều từ 0,1-0,6 m/s, độ mặn từ 10-30 ppm. Về thức ăn cho cá giai đoạn 5-10 cm, sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá biển hiện có trên thị trường với hàm lượng dinh dưỡng chính như protein 45-48%, lipid 8-14%, carbohydrate 3-5%. Thức ăn viên dạng tròn dẹt, chìm chậm. Khẩu phần ăn 8-10% theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Giai đoạn cá có khối lượng hơn 20 g cần sử dụng các loại cá tạp làm thức ăn. Khi cá có khối lượng trung bình từ 20-200 g, thức ăn sử dụng là cá băm hoặc cắt nhỏ với khẩu phần ăn 5-10% khối lượng cá/ngày; khi cá lớn hơn 200 g giảm dần khẩu phần ăn 4-5% khối lượng cá/ngày. Giai đoạn 2 tháng nuôi đầu, khi cá còn nhỏ, nên cho cá ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối với thức ăn công nghiệp, giai đoạn sau giảm cho cá ăn 1 lần/ngày. Ngoài ra, theo dõi hoạt động bắt mồi, sức khỏe của cá đề điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa. Định kỳ bảo dưỡng, vệ sinh hàu, hà bám vào dây neo, lưới lồng với tần suất 1-3 tháng/lần, tùy thuộc vào mức độ hà bám. Thay lồng và phân loại cá theo định kỳ 2 tháng/lần, mỗi lần thay lưới lồng có thể tắm cho cá bằng nước ngọt 60 phút hoặc bằng formalin 100-150 ppm trong 30 phút, khi tắm cho cá cần sục khí mạnh.

Vào thời điểm mùa dịch của cá, nhóm nghiên cứu đã phát hiện, cần định kỳ tắm 1 tháng/lần cho cá bằng nước ngọt có formalin nồng độ 100-150 ppm trong thời gian 30 phút. Ngoài việc định kỳ tắm cho cá để loại bỏ ký sinh trùng, một biện pháp phòng bệnh khác mà nhóm nghiên cứu tìm ra là trộn chế phẩm salix fish vào thức ăn với liều lượng 5 ml/kg thức ăn, tần suất 2 lần/tháng, mỗi đợt sử dụng trong 3 ngày liên tục. Đây là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhằm hạn chế đối với các tác nhân gây bệnh là vi khuản và viruss tấn công. Ngược lại khi cá bị nhiễm bệnh, cần định kỳ tắm cho cá bằng nước ngọt có pha formalin 100-150 ppm trong thời gian 30 phút và lặp lại lần 2, 3 vào những ngày kế tiếp. Sau thời gian nuôi 10-11 tháng, cá đạt cỡ thương phẩm trung bình 1,0 kg/con với tỷ lệ sống trên 60%. Khi thu hoạch sử dụng lồng hoặc lưới vét (có phao, giềng chì) để kéo. Sau khi thu hoạch, cá Song Trân Châu sẽ được vận chuyển tới nơi tiêu thụ bằng bể chuyên dụng có thể tích 1,0 m3, được sục khí oxy và duy trì nhiệt độ vận chuyển từ 20-22oC.

Cá Song Trân Châu do nhóm nghiên cứu nuôi thành công.

Kết quả nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu trong lồng bè cho tỷ lệ cá sống đạt 63%, kích cỡ trung bìng 1,0 kg/con và năng suất đạt 603,5 kg/lồng (27 m3). Đối với nuôi thương phẩm trong ao đất cho tỷ lệ sống của cá đạt 67,2%, kích cỡ trung bình hơn 1,0 kg/con, năng suất đạt 5,6 tấn/ha.

Có thể khẳng định, việc sản xuất thành công giống và nuôi thương phẩm cá Song Trân Châu của đề tài đã góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Ngoài ra, thành công của đề tài còn góp phần nâng cao giá trị thương mại và cải thiện chất lượng sản phẩm thủy sản. Điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và đưa ngành thủy sản Việt Nam vươn tới quy mô lớn hơn trên thị trường quốc tế.

*Conway là môi trường thường được sử dụng trong nuôi trồng vi tảo biển

 

 

Khải Đoàn

Link nội dung: https://vsta.org.vn/hai-phong-xay-dung-thanh-cong-mo-hinh-san-xuat-giong-va-nuoi-thuong-pham-ca-song-tran-chau-23453.html