Dấu ấn của doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi số

Từ ngày 2/8, hành khách bay nội địa chính thức được sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 để làm thủ tục check-in tại tất cả cảng hàng không, sân bay thay cho xuất trình giấy tờ tùy thân.

Nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giới thiệu hệ sinh thái chuyển đổi số VNPT cho khách hàng. (Ảnh NGỌC MINH)
Nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giới thiệu hệ sinh thái chuyển đổi số VNPT cho khách hàng. (Ảnh NGỌC MINH)

Trước đó, quy định này đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và các hãng hàng không triển khai thí điểm từ ngày 1/6 đến 1/8.

Xác định năm 2023 là năm hành động, tạo lập dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, các doanh nghiệp nhà nước đã có bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia.

Những kết quả khích lệ

Việc chính thức sử dụng VNeID mức độ 2 đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay là một trong những nội dung nằm trong chương trình hành động cụ thể của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong ngày đầu triển khai chính thức (2/8), tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đã có hàng trăm lượt hành khách sử dụng VNeID thay giấy tờ tùy thân làm thủ tục check-in, phần lớn là người trẻ tuổi.

Việc sử dụng VNeID mức độ 2 không gặp trở ngại nào trong chuỗi từ quầy làm thủ tục, để nhân viên an ninh hàng không kiểm soát giấy tờ đi tàu bay trước khi vào khu vực soi chiếu an ninh và kiểm soát tại cửa ra tàu bay.

Quá trình thí điểm tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 1/6 đến 1/8, đã ghi nhận gần 7.000 lượt khách sử dụng VNeID làm thủ tục bay.

Số liệu báo cáo ban đầu, thời gian để nhân viên an ninh hàng không kiểm tra trực quan VNeID mức 2 đối với 1 hành khách (không tính thời gian xếp hàng) dao động từ 10 đến 140 giây. Thời gian kiểm tra bằng quét mã QR code đối với 1 hành khách dao động từ 5 đến 15 giây. Toàn bộ việc quét mã QR code đều thành công, 100% tài khoản VNeID mức 2 sau khi quét QR code đều cho kết quả là tài khoản do Bộ Công an cấp.

"Với tư cách nhà khai thác cảng, chúng tôi nhận thấy, tuy phát sinh một số trục trặc nhỏ về tài khoản định danh, lỗi do mất kết nối mạng Internet, chưa quen thao tác trên ứng dụng, quên mật khẩu đăng nhập,... nhưng tổng quan, ứng dụng VNeID mức độ 2 đã tạo thuận lợi cho việc quản lý tại sân bay, giảm rủi ro an ninh và tiết kiệm thời gian thủ tục, nâng cao hiệu quả hoạt động khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động Cảng hàng không", ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đánh giá.

Với tư cách nhà khai thác cảng, chúng tôi nhận thấy, tuy phát sinh một số trục trặc nhỏ về tài khoản định danh, lỗi do mất kết nối mạng Internet, chưa quen thao tác trên ứng dụng, quên mật khẩu đăng nhập,... nhưng tổng quan, ứng dụng VNeID mức độ 2 đã tạo thuận lợi cho việc quản lý tại sân bay, giảm rủi ro an ninh và tiết kiệm thời gian thủ tục, nâng cao hiệu quả hoạt động khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động Cảng hàng không.

Ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài

Những bước đi đầu tiên cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia đã ghi đậm nét dấu ấn của các doanh nghiệp nhà nước. Là một trong những doanh nghiệp hội nhập rất sớm vào mạng lưới hàng không toàn cầu, đến nay Vietnam Airlines đã và đang triển khai nhiều công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới trong hầu hết lĩnh vực hoạt động từ kỹ thuật, điều hành khai thác, thương mạị, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, hướng đến mục tiêu trở thành hãng hàng không số đầu tiên của Việt Nam vào năm 2025.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những kết quả nổi bật trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia từ năm 2021 đến nay đã góp phần quan trọng giúp hoạt động của EVN hiệu quả, minh bạch hơn và đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện.

Tính đến đầu năm 2023, EVN đã công bố 14 giao diện lập trình (API) kết nối với các nền tảng số; 98% thiết bị chính, tương ứng 1,9 triệu hồ sơ của nhà máy điện và lưới điện được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thiết bị phần mềm PMIS; cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến, tương đương dịch vụ công cấp độ 4,...

Kết quả chuyển đổi số tại EVN cũng được cảm nhận rất rõ trong đời sống kinh tế-xã hội khi người dân và doanh nghiệp không phải thanh toán tiền điện bằng tiền mặt, không phải đến các cơ sở giao dịch để làm thủ tục liên quan đến quá trình cung cấp dịch vụ điện. Các giấy tờ phải cung cấp theo hồ sơ, gồm căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tạm trú được thay thế bằng thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các dịch vụ điện được cung cấp qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng (app), các ứng dụng mạng xã hội (zalo),... tỷ lệ khách hàng thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt đạt 99,67%; hợp đồng mua bán điện thực hiện theo phương thức điện tử đạt 99,15%, hơn 700 nghìn hóa đơn điện tử được luân chuyển qua cổng kết nối với Tổng cục Thuế,...

Cần "cú huých" từ chính sách

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2023) diễn ra mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm bày tỏ khát vọng muốn chung tay giải các bài toán lớn mang tầm quốc gia thông qua vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước.

Với thế mạnh vượt trội về hạ tầng số, an ninh số, hệ sinh thái ứng dụng chuyển đổi số, VNPT đã tham gia tích cực trong hoạt động chuyển đổi số quốc gia. Đó là các giải pháp Trung tâm điều hành thông minh IOC trong hệ sinh thái chuyển đổi số khối chính quyền; nền tảng chuyển đổi số oneSME phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ,... VNPT luôn chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và từng bước hình thành hệ sinh thái VNPT AI toàn diện, hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 20 cơ sở nghiên cứu AI dẫn đầu khu vực ASEAN.

Một kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 92% số doanh nghiệp Việt Nam có sự quan tâm hoặc đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ,... nhờ chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thực tế, số doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chưa nhiều, nhất là các doanh nghiệp mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt như khối doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam), nguyên nhân do các doanh nghiệp nhà nước có những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát hoạt động rất chặt chẽ, chính điều này biến thành "rào cản" trong quá trình chuyển đổi số. Đặc trưng quan trọng của chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi cách thức vận hành từ truyền thống sang cách làm mới, mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi phải có sự thay đổi tương ứng về mô hình tổ chức. Tuy nhiên, những thay đổi như vậy ở doanh nghiệp nhà nước cần qua nhiều thủ tục, nhiều cấp xét duyệt với thời gian kéo dài.

Quá trình chuyển đổi số cũng phát sinh số tiền đầu tư lớn, nhưng doanh nghiệp nhà nước không thể ra quyết định nhanh chóng do có sự kiểm soát chặt chẽ về đầu tư. Từ thực tế này, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, gỡ bỏ điểm nghẽn về mặt thể chế mới có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước vận động nhanh trong lộ trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần có ý chí, quyết tâm rất cao của người đứng đầu vì doanh nghiệp nhà nước thường có quy mô lớn, thói quen sản xuất, kinh doanh truyền thống đã ăn sâu trong đội ngũ người lao động.

Gỡ bỏ điểm nghẽn về mặt thể chế mới có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước vận động nhanh trong lộ trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần có ý chí, quyết tâm rất cao của người đứng đầu vì doanh nghiệp nhà nước thường có quy mô lớn, thói quen sản xuất, kinh doanh truyền thống đã ăn sâu trong đội ngũ người lao động.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Chiến lược chuyển đổi số

Nhận diện rõ những hạn chế trong lộ trình chuyển đổi số, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trực thuộc.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, gắn chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ số tại Ủy ban và hoạt động chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty; đồng thời nâng cao năng lực quản trị, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu của doanh nghiệp bằng cách áp dụng các giải pháp chuyển đổi số; tổ chức xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành số áp dụng tại các tập đoàn, tổng công ty; từng bước gắn đánh giá mức độ chuyển đổi số là một phần quan trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường đại học Kinh tế quốc dân), để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số, Chính phủ phải tạo dựng được môi trường, cơ chế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế số. Hạ tầng công nghệ thông tin của đất nước có sự ưu tiên tập trung đầu tư hiện đại ngang tầm các nước phát triển và quan trọng là phải bảo đảm nguồn nhân lực ICT đủ chất lượng đáp ứng về công nghệ số.

Các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ như xây dựng Chiến lược quốc gia về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhà nước tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời xây dựng khung chính sách thử nghiệm về mặt pháp lý và mức độ chịu rủi ro của doanh nghiệp nhà nước đặc biệt để tăng tính chủ động và khả năng ra quyết định đột phá của người lãnh đạo,...

 

PHƯƠNG ANH

Link nội dung: https://vsta.org.vn/dau-an-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-trong-chuyen-doi-so-23476.html