Ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Lễ ký kết "Kế hoạch hành động triển khai công tác Ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2026". Chủ trì lễ ký là Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan với sự tham gia các đơn vị chức năng của hai Bộ.

Hai bộ trưởng trao đổi văn bản ký kết hợp tác

 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã cho thấy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, là nền tảng thiết yếu trong bảo đảm an sinh xã hội, là thế mạnh hàng đầu trong hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tại các cơ chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế…, nông nghiệp là một trong những thế mạnh quan trọng nhất mà Việt Nam có thể phát huy vai trò nòng cốt. Trong các cuộc tiếp xúc song phương và gặp gỡ bên lề các hội nghị đa phương với lãnh đạo Việt Nam, các nước đều bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển nông nghiệp, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng lương thực toàn cầu và khu vực.

Trong thời gian tới, từ dự báo bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế hỗ trợ ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, phục vụ mục tiêu duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các đơn vị của hai Bộ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Kế hoạch hành động, trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ, tham mưu, lồng ghép để đưa nội dung hợp tác kinh tế nói chung và hợp tác nông nghiệp trở thành một trong những trọng tâm trong các tiếp xúc, trao đổi của Lãnh đạo Cấp cao với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể, mang tính đột phá trong các chuyến thăm.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; là hình mẫu về bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua đã gặp khủng hoảng an ninh lương thực, dẫn đến các khó khăn, bất ổn về chính trị-xã hội.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài rất chú trọng và tích cực đồng hành cùng Bộ NN-PTNT trong xúc tiến, thúc đẩy mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam; kết nối hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; hỗ trợ ngành nông nghiệp hội nhập quốc tế và phát huy, nâng cao vai trò trong các cơ chế hợp tác đa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn ngành Ngoại giao thời gian qua đã có những hỗ trợ kịp thời, giúp "chắp cánh" cho nông sản Việt bay xa, mang theo hình ảnh đất nước, người nông dân Việt Nam đến nhiều thị trường, bạn bè trên thế giới, Bộ trưởng khẳng định: muốn đi xa thì phải đi cùng nhau và muốn nông sản Việt đi xa thì phải gắn kết với ngành Ngoại giao. “Hai ngành nông nghiệp và ngoại giao sẽ cần phải phát huy lợi thế, đi cùng nhau trên con đường ngoại giao kinh tế, từ đó hiện thực hóa những nội dung trong kế hoạch hành động được ký ngày hôm nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một kênh tiếp thị nông sản trong nước ra quốc tế mà còn là kênh thông tin tin cậy, hiệu quả trong việc cung cấp kịp thời cho ngành Nông nghiệp những mô hình sản xuất, các thành tựu khoa học công nghệ nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, để từ đó những thay đổi chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống trong nước sang hiện đại, nâng cao năng lực công nghệ sản xuất, chất lượng nông sản.

Tại buổi làm việc, các đơn vị chức năng của hai Bộ đã đóng góp thêm ý kiến, trao đổi cụ thể và đề xuất các biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp công tác giữa hai Bộ trong thời gian tới.

 

BBT tổng hợp

Link nội dung: https://vsta.org.vn/ngoai-giao-kinh-te-dong-gop-thuc-day-phat-trien-nganh-nong-nghiep-viet-nam-23528.html