Theo quy định tại Thông tư số 55, tiền công lao động khoa học tính theo số ngày công quy đổi, hệ số lao động khoa học, lương cơ sở. Mức tiền công lao động khoa học được ban hành từ năm 2015 là tương đối thấp so với thời điểm hiện tại; mặt khác, ở một số đơn vị khi triển khai thực hiện đã đồng nhất tiền công lao động khoa học với công lao động thuần túy nên chỉ giới hạn ở mức trần làm đêm, làm thêm 200 giờ/năm theo quy định của Bộ Luật lao động. Khắc phục vướng mắc trên, Thông tư số 03 sửa đổi “tiền công” thành “tiền thù lao”; đồng thời mức thù lao cho các chức danh, nhóm chức danh được tính theo tháng, theo mức tiền cụ thể (mức thù lao cao nhất là 40 triệu đồng/tháng đối với chức danh chủ nhiệm; các chức danh khác có mức thù lao theo hệ số lao động khoa học, không quá 0,8 với mức thù lao của chức danh chủ nhiệm). Mức thù lao của các chức danh khoa học theo quy định tại Thông tư số 03 và Thông tư số 02 đã cao hơn so với mức quy định tại Thông tư số 55 từ 1,5 đến 2 lần.
Ngoài các chức danh nghiên cứu, Thông tư số 03 quy định mức chi thuê lao động phổ thông theo tiền lương tối thiểu vùng cao nhất tại thời điểm xây dựng dự toán nhiệm vụ. Đây là quy định mới so với Thông tư số 55.
Thông tư số 55 chỉ quy định định mức chi cho “Hội thảo khoa học”. Trong thực tế, có nhiều hình thức trao đổi, thảo luận khoa học không dưới hình thức hội thảo cần được quy định rõ để thuận lợi trong triển khai thực hiện. Khắc phục vướng mắc này, Thông tư số 03 quy định định mức chi cho “Hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học”; đồng thời tăng mức chi thêm 30-50% so với mức chi quy định tại Thông tư số 55.
Thông tư số 03 quy định tăng mức tối đa chi quản lý chung nhiệm vụ so với quy định tại Thông tư số 55 (tăng từ tối đa 200 triệu đồng/nhiệm vụ lên tối đa 300 triệu đồng/nhiệm vụ).
Về mức chi cho các hội đồng khoa học, Thông tư số 03 bổ sung nội dung chi và tăng thêm nội dung chi cho các hội đồng tư vấn khác theo Thông tư quản lý nhiệm vụ của Bộ KH&CN; bổ sung thêm nội dung chi thù lao, công tác phí của chuyên gia xử lý các vấn đề kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động của hội đồng; bổ sung thêm nội dung chi kiểm tra, đánh giá sau khi giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu; bổ sung thêm nội dung chi họp hội đồng đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tăng mức chi cho hội đồng, tổ thẩm định thêm 30-50% so với mức chi quy định tại Thông tư số 55.
Thông tư 02 đã sửa đổi, điều chỉnh quy định về các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN so với Thông tư số 55. Thứ nhất, so với quy định tại Thông tư số 55, Thông tư số 02 đã bổ sung thêm chức danh “thư ký khoa học” và thống nhất với Thông tư số 03 của Bộ Tài chính đối với quy định chức danh “kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ” là không bao gồm lao động phổ thông. Thù lao cho lao động phổ thông tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN được tính riêng và tách khỏi thù lao nghiên cứu. Thứ hai, Thông tư 02 quy định rõ khái niệm, công việc của các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN; giới hạn số lượng người đối với một số loại chức danh (mỗi nhiệm vụ chỉ có 01 chủ nhiệm, 01 thư ký khoa học; mỗi nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ được bố trí tối đa 01 thành viên chính chủ trì thực hiện) cho phù hợp với thực tiễn và để các tổ chức chủ trì có căn cứ lập dự toán cũng như các hội đồng có căn cứ để thẩm định nhiệm vụ KH&CN.
Về hệ số lao động, Thông tư 02 đã thay đổi hệ số của từng chức danh nghiên cứu và cách tính thù lao tham gia nhiệm vụ KH&CN của các chức danh. Trên cơ sở thống nhất với Thông tư 03 quy định định mức thù lao nghiên cứu tối đa 40 triệu đồng/người/tháng đối với chủ nhiệm nhiệm vụ, Thông tư 02 đã quy định cụ thể mức hệ số lao động của từng loại chức danh nghiên cứu. Hệ số này nhân với thù lao theo tháng của chủ nhiệm nhân với số tháng quy đổi thực hiện nhiệm vụ sẽ ra thù lao của chức danh. Bên cạnh đó, cách tính thù lao nghiên cứu đối với các chức danh có sự thay đổi: 1) thù lao cho các công việc đặc thù của chủ nhiệm nhiệm vụ và thư ký khoa học được tính riêng trên 20% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ (tháng); 2) một cá nhân có thể tham gia nhiều nội dung, công việc nghiên cứu với các chức danh khác nhau (thù lao của cá nhân trong nội dung, công việc nghiên cứu được tính theo hệ số lao động khoa học của chức danh tương ứng và thời gian cá nhân thực hiện nội dung, công việc nghiên cứu đó); 3) Thù lao cho thành viên chính; thành viên; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ được tính theo nhóm, trên cơ sở thời gian quy đổi thực hiện các nội dung nghiên cứu và công việc của nhiệm vụ.
Thông tư 02 quy định các trường hợp thuê chuyên gia phối hợp nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ; thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập cụ thể hơn so với Thông tư 55 và thống nhất với dẫn chiếu từ Thông tư 03. Bộ KH&CN đã và đang triển khai các hoạt động phổ biến các quy định mới trong hướng dẫn xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước tại các tổ chức KH&CN và cơ quan quản lý các cấp nhằm hướng dẫn việc thực hiện các quy định tại văn bản mới, giải đáp thắc mắc và tiếp nhận ý kiến góp ý của cộng đồng khoa học, hướng tới từng bước xây dựng cơ chế tài chính cho KH&CN cởi mở, thông thoáng, hiệu quả, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học phát huy năng lực và đóng góp cho sự phát triển KH&CN nước nhà.
Văn Khánh Linh