Thái Bình: Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Đây chính là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dưới dạng QR-Code nhằm bảo vệ và khẳng định sản phẩm. Loại “bao bì thông minh này” đang là xu hướng hiện nay và Thái Bình cũng không thể đứng ngoài xu thế này.

Nguyễn Đức Minh

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Thái Bình

Thực trạng hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Thái Bình

Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã có một số sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc như nông sản, thực phẩm, dược phẩm…, đó là các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và sản phẩm khoa học và công nghệ của tỉnh. Để nhận diện được nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng quét mã sản phẩm để kiểm tra tem được gắn trên sản phẩm, từ đó có thể yên tâm về sản phẩm mà mình đã lựa chọn. Tem truy suất nguồn gốc có thiết kế đặc biệt, chỉ sử dụng được một lần trên một sản phẩm. Vì vậy, có thể tránh được việc bóc gỡ tem trên sản phẩm chính hãng dán vào sản phẩm kém chất lượng.

Để có thể gắn tem truy xuất nguồn gốc lên từng sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận thương hiệu, mã số mã vạch, các thông số kỹ thuật, tên sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Từ đầu năm 2022, Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình đã chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, hàng năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Thái Bình đều xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, hướng dẫn các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia, kê khai thông tin và cấp giải tem truy xuất nguồn gốc để in, dán lên trên sản phẩm. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn như: Đối tượng áp dụng chủ yếu là các hộ sản xuất, hợp tác xã quy mô nhỏ, việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, người nông dân ít áp dụng do thói quen sản xuất cũ, liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa chặt chẽ...

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Thái Bình là đơn vị quản lý về Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền về truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch cho các chủ thể tham gia xếp hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); hướng dẫn 24 chủ thể với 48 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; tổ chức hội thảo về truy xuất nguồn gốc cho các chủ thể trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, Cổng Thông tin Truy xuất nguồn gốc quốc gia chưa đi vào hoạt động, mã số vùng trồng, mã số đóng gói hiện nay vẫn chưa được các địa phương trong tỉnh quan tâm…

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh

Khi nền kinh tế số phát triển, những doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc minh bạch sẽ có hình ảnh sản phẩm, thương hiệu được người tiêu dùng quan tâm và đón nhận, khác hẳn những doanh nghiệp gian lận, không dám công khai thông tin, hoặc công khai những thông tin nhưng không chính xác. Như vậy, việc đầu tư và thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ giúp bảo vệ uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp. Thực hiện truy xuất nguồn gốc tốt sẽ không còn hiện tượng gian lận nguồn gốc, ảnh hưởng đến thương hiệu các sản phẩm.

Để nâng cao giá trị các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực, sản phẩm khoa học và công nghệ của tỉnh, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ như: Triển khai chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử; tổ chức liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ chức hợp tác, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…; chú trọng kỹ thuật sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm tại tất cả các khâu trong chuỗi bảo đảm yêu cầu của các cơ quan, tổ chức; tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xã xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là công nghệ mới để góp phần khẳng định thương hiệu chất lượng sản phẩm.

Một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh được trưng bày tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình.

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu. Tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Vận hành, nâng cấp để kết nối hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh với Cổng Thông tin Truy xuất Quốc gia khi cổng này đi vào hoạt động; lựa chọn, xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên, các sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương.

Có thể nói, việc chủ động, minh bạch nguồn gốc sản phẩm là rất cần thiết, bởi nó tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh, tránh được việc giả mạo thương hiệu. Đây cũng là căn cứ giúp chủ cơ sở giám sát nội bộ, bảo vệ trước pháp luật khi bị truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hoá Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường trong nước và khi hàng hóa thế giới đi vào Việt Nam. Cùng với kế hoạch, giải pháp của các cấp lãnh đạo và đơn vị quản lý thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân cũng cần nâng cao hiểu biết, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động liên quan tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm của tỉnh, đảm bảo cơ sở niềm tin của người tiêu dùng bắt đầu từ hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu dùng.

 

 

Link nội dung: https://vsta.org.vn/thai-binh-day-manh-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-23579.html