Chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo của Chính phủ tăng 7 bậc
Phát biểu khai mạc phiên chính AI Summit 2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0. Gần đây, AI có sự phát triển vượt bậc với rất nhiều sản phẩm, ứng dụng ra đời và thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là các sản phẩm AI tạo sinh.
Tại Việt Nam, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030". Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0", góp phần phát triển kinh tế-xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, sau hơn hai năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận.
Nhiều sản phẩm dựa trên AI đã được ứng dụng trong cuộc sống. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho AI và đã từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ AI.
Kết quả này đã được phản ánh trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ" do Tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện. Năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trong 181 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2021.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN luôn muốn lắng nghe những thông tin, kinh nghiệm, các sáng kiến, giải pháp để phổ cập kỹ năng về ứng dụng AI, chuẩn bị đội ngũ nhân lực làm về AI góp phần thúc đẩy việc phát triển một hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam, nhằm đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Chúc mừng Việt Nam với những tiến bộ, thành tựu trong xây dựng hệ sinh thái AI, bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TPHCM cho rằng AI đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt, từ Chính phủ, hành chính công đến thương mại, y tế, giáo dục.
Theo bà Emily Hamblin, Vương quốc Anh đã có chiến lược công nghệ với 5 công nghệ ưu tiên, một trong số đó là AI. Sự phát triển của AI mang lại nhiều cơ hội song cũng không ít rủi ro, đòi hỏi các quốc gia cần cân bằng giữa sự phát triển với đạo đức, quản lý.
"Các rào cản về AI chủ yếu nằm ở niềm tin người dùng, rất khó để khai thác công nghệ mà bỏ qua bước giải quyết rào cản kiến thức, quản trị", bà Emily Hamblin nêu.
Đồng quan điểm, ông Kim Wimbush, Tham tán CSIRO kiêm Giám đốc chương trình Aus4Innovation, Đại diện cơ quan KHCN của Australia lấy ví dụ về lợi thế khi ứng dụng AI, như người nông dân có thể sử dụng AI để chụp hình toàn bộ cánh đồng mía của mình cũng như theo dõi được sức khỏe của các cây mía.
"AI chính là cánh tay nối dài của chúng ta", ông Kim Wimbush khẳng định. Tuy nhiên, ông Kim Wimbush cũng thừa nhận, AI mang lại những thách thức và rủi ro, vì vậy đưa ra những quy tắc sử dụng AI sao cho AI đáng tin cậy hơn là rất quan trọng.
Ông Kim Wimbush khẳng định Australia có nhiều hoạt động trong lĩnh vực AI và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để phát triển AI cũng như kết nối Việt Nam với mạng lưới AI của Australia ở châu Á.
Trong khi đó, ông Graham Harlow, Quyền Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM đề cập đến việc hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện.
"Trọng tâm trong sự hợp tác lần này là đổi mới sáng tạo. AI là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu. Những tiến bộ của AI mở ra tiềm năng cho cả hai nước trong các lĩnh vực như y học, môi trường, giáo dục và phúc lợi công cộng", ông Harlow nói.
Đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt với Việt Nam để phát triển KHCN, xây dựng các quy chuẩn về sử dụng, phát triển AI trong thời gian tới.
Ông Harlow cũng dẫn chứng những hợp tác gần đây của Việt Nam - Mỹ để nói về tiềm năng và cơ hội cùng thúc đẩy công nghệ AI của hai bên. Đơn cử như Microsoft và Trusting Social hợp tác để phát triển giải pháp tổng thể dựa trên AI phù hợp với Việt Nam. Nvidia bắt tay với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong đám mây, ôtô và chăm sóc sức khỏe.
"Bộ Ngoại giao và doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam để thiết lập khuôn khổ quốc tế trong quản lý, phát triển, sử dụng AI trên toàn cầu", đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ cho hay.
Trong khi đó, ông Yang Ki Sung, Tham tán Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, gần đây Việt Nam nổi lên là quốc gia có tiềm năng lớn về AI. Việc hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tạo bước tiến rất đáng kể. Nhiều chuyên gia hàng đầu và doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia AI4VN. Thông qua sự kiện, hai quốc gia có thể mở rộng hợp tác, tăng ứng dụng AI trong đời sống hàng ngày.
"Tôi hy vọng các viện nghiên cứu, đơn vị sẽ tăng kết nối để hai quốc gia thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng đến thời đại mới: AI là động lực nền kinh tế", ông Yang Ki Sung nói.
Cũng tại sự kiện, 4 đơn vị: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KHCN), Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), Công ty FPT Smart Cloud và Câu lạc bộ các Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam đã ký kết Hợp tác phát triển Nền tảng chia sẻ dữ liệu Openscience.vn.
Nền tảng này cho phép cộng đồng nghiên cứu trong nước đóng góp và chia sẻ các bộ dữ liệu dùng chung, qua đó giảng viên, sinh viên, học viên trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và AI có thể khai thác nền tảng để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo.
Hoàng Giang
Link nội dung: https://vsta.org.vn/khai-mac-ngay-hoi-tri-tue-nhan-tao-viet-nam-ai4vn-2023-23627.html