Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng Giải thưởng,Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ

Đây là chủ đề của Chương trình Tọa đàm do Liên hiệp các Hội Khoa học &Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên (Liên hiệp hội) phối hợp với Công ty Cổ phần Kim loại màu tổ chức vào ngày 19/9 tại TP. Thái Nguyên.

tm-img-alt

Quang cảnh buổi tọa đàm

Chương trình thu hút sự tham gia đông đảo của đại biểu các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể của tỉnh; Đại học Thái Nguyên và các Trường Đại học, Cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh; Các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN); Các tác giả/tập thể tác giả đã từng đạt giải Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam và Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Thái Nguyên; Ban chấp hành và các hội thành viên của Liên hiệp hội.

Ông Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp hội cho biết: Ngay sau khi Liên hiệp hội được thành lập (năm 2002), từ năm 2003, UBND tỉnh đã giao Liên hiệp hội là cơ quan chủ trì tổ chức Hội thi STKT cấp tỉnh (Hội thi). Đến nay, qua 11 lần tổ chức, Ban Tổ chức Hội thi đã nhận được 343 giải pháp STKT của các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham dự và đã xét chọn, trao 14 giải Nhất, 31 giải Nhì, 60 giải Ba, 121 giải Khuyến khích với tổng số tiền thưởng hơn 1 tỷ đồng cho các đề tài, giải pháp có khả năng áp dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường.

 Hội thi có sự lan tỏa đến nhiều tầng lớp trong xã hội: từ các nhà khoa học, các giáo viên, công chức viên chức đến công nhân, nông dân, học sinh; từ khối ngành quản lý nhà nước, các trường Đại học, Cao đẳng đến các nhà máy, xí nghiệp, trường THPT…

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2016, Liên hiệp hội tích cực tuyên truyền Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (Giải thưởng) trên địa bàn tỉnh và trong giai đoạn 2016 – 2022, tỉnh Thái Nguyên đã đạt 01 giải Nhì, 03 giải Ba và 02 giải Khuyến khích. Việc triển khai các giải thưởng, hội thi, cuộc thi trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện khuyến khích, động viên, tôn vinh sáng tạo các nhà khoa học, đội ngũ trí thức và nhân dân tích cực tham gia, góp phần nâng cao năng suất lao động, khả năng tư duy sáng tạo trong học tập và nghiên cứu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tạitọa đàm, các đại biểu tham dự đã chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai Giải thưởng/Hội thi khi một số ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo nói chung cũng như ý nghĩa của Giải thưởng/Hội thi. Chất lượng của các công trình tham gia có tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng nhưng số lượng công trình chất lượng cao, có sức lan tỏa lớn, có khả năng nhân rộng còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, KH&CN của cả nước (Đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh Thái Nguyên có số lượng gấp khoảng 5 lần so với bình quân trung của cả nước).

Có rất nhiều công trình thể hiện được sự quan sát tinh tế các vấn đề nhưng còn hạn chế trong cách tiếp cận xử lý sao cho thực sự khoa học. Có rất nhiều công trình có giá trị sau khi dự thi không gắn được với thực tiễn hoặc không bảo hộ được bản quyền trí tuệ.

Để nâng cao chất lượng các đề tài/giải pháp tham gia Giải thưởng/Hội thi, các đại biểu cho rằng: Ngoài việc bản thân mỗi tác giả/ cần có khả năng quan sát thực tế và nắm bắt các cơ hội từ đó, đây là chất liệu căn bản làm nên các sáng tạo, thì các tác giả cần bám sát vào các tiêu chí của Giải thưởng/Hội thi để diễn giải, thuyết minh có tính thuyết phục với những minh chứng cụ thể. Các công trình cần hướng tới áp dụng công nghệ cao, theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thêm vào đó, để nâng cao chất lượng Giải thưởng/Hội thi, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát động phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, cần phải gắn cụ thể với hoạt động sản xuất tại đơn vị để phát huy khả năng sáng tạo trong mỗi cá nhân, tập thể làm tiền đề cho các đề tài nghiên cứu KHCN có chất lượng, hiệu quả và khả năng áp dụng thực tiễn cao; có cơ chế hỗ trợ để áp dụng có hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật đã đạt giải cao tại Hội thi/ Giải thưởng được ứng dụng vào sản xuất và đời sống và để các kết quả được hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật, giải pháp, sản phẩm có khả năng thương mại hóa….

Chương trình tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam và Hội thi STKT tỉnh Thái Nguyên do Liên hiệp hội chủ trì thực hiện. Đây cũng được coi là một trong những nội dung góp phần thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Hoàng Ngân

Link nội dung: https://vsta.org.vn/thai-nguyen-nang-cao-chat-luong-giai-thuonghoi-thi-sang-tao-khoa-hoc-cong-nghe-23631.html