Hiệu quả khoa học và công nghệ từ quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương

Việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại.

Trình độ công nghệ của doanh nghiệp từng bước nâng lên

Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg đã nhấn mạnh quan điểm tái cơ cấu để thực hiện phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.

Tái cơ cấu ngành Công Thương: Phát huy vai trò động lực của khoa học và công nghệ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về hoá phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, chế tạo

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và địa bàn để phát huy tối đa lợi thế so sánh của quốc gia, vùng và địa phương trong chuỗi giá trị. Chủ động, đi trước một bước trong việc thử nghiệm và phát triển các mô hình tăng trưởng mới, khai thác có hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế.

Đề án cũng nêu nhiệm vụ, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5 - 9%/năm.

Thực tiễn trong thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng vào những thành tích ấn tượng của ngành Công Thương những năm qua.

Đó là, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; nền sản xuất công nghiệp đã đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao; một số ngành có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục, đạt khoảng 732 tỷ USD năm 2022; thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao…

Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp từng bước được nâng lên; một số ngành, lĩnh vực đang tiệm cận với trình độ công nghệ của khu vực và thế giới, như: Lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, năng lượng - điện; không ít các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiên phong trong xu hướng ứng dụng công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số với hiệu quả hết sức tích cực, mang đến diện mạo, năng lực mới cho doanh nghiệp.

Điển hình trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước, doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã ứng dụng và làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất của thế giới, như: Các công nghệ khoan hiện đại áp dụng tại các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen; công nghệ khai thác dầu trong đá móng Granitoid áp dụng tại các mỏ thuộc bể Cửu Long.

Hay, công nghệ làm lạnh sâu dòng khí nguyên liệu (Turbo Expender) giúp nâng cao hiệu suất thu hồi lỏng tại nhà máy xử lý khí; công nghệ CNG nén khí khô vào các bình chứa cao áp; công nghệ nhập, xuất và tồn chứa LPG lạnh... đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành; đặc biệt, đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công giàn khoan tự nâng 90m nước... mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực năng lượng điện, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới...;

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã giúp nâng công suất tổ máy phát điện đạt 600-660 MW; hệ thống truyền tải không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và TBA có cấp điện áp 500 kV, các TBA có công nghệ cách điện bằng khí; chế tạo thành công máy biến áp truyền tải 110 ÷ 500 kV giúp ngành điện chủ động về nguồn cung; hiện nay 43% số máy biến áp trên hệ thống lưới điện của EVN được sản xuất trong nước.

Tái cơ cấu ngành Công Thương: Phát huy vai trò động lực của khoa học và công nghệ
Doanh nghiệp ngành Công Thương đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh

Tương tự, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% lên 80% trong những năm qua.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Điển hình như: Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện, đã áp dụng thành công…

Nền tảng thúc đẩy sự phát triển ngành Công Thương

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng, với chặng đường 72 năm hình thành và phát triển, ngành Công Thương luôn xác định công tác phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu và đòi hỏi tiên quyết, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ trong toàn ngành đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn - quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành.

Đồng thời, đưa nhanh những kết quả nghiên cứu và thành tựu khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành cũng như góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tái cơ cấu ngành Công Thương: Phát huy vai trò động lực của khoa học và công nghệ
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí giới thiệu một số thành quả nghiên cứu của Viện với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho hay, trong thời gian qua, Viện đã làm tốt công tác tham mưu tư vấn cơ chế chính sách cho Chính phủ để đưa ra được cơ chế chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực công nghiệp như: Cơ chế nội địa hóa các thiết bị nhiệt điện; thiết bị toàn bộ trong ngành công nghiệp...

Viện cũng đạt được thành công trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho một số lĩnh vực thuộc thế mạnh của Viện như: Thiết bị cơ khí thủy công cho thủy điện; EPC một số hạng mục cho nhà máy nhiệt điện than theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; EPCM cho dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ; tự động hóa quá trình sản xuất cho nhà máy sản xuất bột giặt và phân bón; EPC một số hạng mục quan trọng trong nhà nhà máy xi măng lò quay; sản xuất phao nổi và neo cho nhà máy điện mặt trời...

Tiến sĩ Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho rằng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nói chung, cán bộ khoa học và công nghệ ngành Công Thương nói riêng, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

"Khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng thay đổi tư duy quản lý các cấp, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó, làm tăng năng suất lao động, đạt bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,88%, cao nhất khối ASEAN và trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao ở châu Á" - Tiến sĩ Đào Duy Anh cho hay.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Ngành Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tập trung xây dựng và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất và thị trường, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính độc lập, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài, bảo đảm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chia sẻ, phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu, đặc biệt khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng.

Để làm được điều này, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã dành nhiều nguồn lực và tập trung triển khai nội dung này. Cụ thể: Hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về sản xuất thông minh trong các lĩnh vực cơ khí, nhựa, điện tử, bia, logistics. Các nội dung này đã được chúng tôi triển khai lồng ghép trong những chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương và cấp quốc gia cùng với sự tham gia của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ được xây dựng và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt đều đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có thế mạnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0.

Bộ Công Thương đã xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn tới là triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Quỳnh Nga

Link nội dung: https://vsta.org.vn/hieu-qua-khoa-hoc-va-cong-nghe-tu-qua-trinh-tai-co-cau-nganh-cong-thuong-23747.html