Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực thi có hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc được thông qua trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam tháng 6/2023 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Toàn cảnh Khóa họp JCM9.
Dấu ấn hợp tác KH&CN
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc với 3 đặc điểm chính: tin cậy chính trị ngày càng củng cố; hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; hiểu biết và giao lưu nhân dân hai nước ngày càng mật thiết. Hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Cùng với những bước tiến trong quan hệ ngoại giao, hai nước cũng đã xác định hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là một trong những trụ cột, một điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Quan hệ hợp tác này đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào sự phát triển chung thịnh vượng của hai nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc Lee Jong Ho. (Ảnh: TTXVN tại Seoul).
Kể từ JCM8 tổ chức năm 2018 đến nay, hai bên đã ký kết nhiều Biên bản ghi nhớ hợp tác và phối hợp thực hiện nhiều đề tài hợp tác nghiên cứu chung, mang lại giá trị gia tăng và đột phá về KH&CN. Kết quả của nhiều nghiên cứu chung đã có những tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế, xã hội của cả hai nước. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án Thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tại Việt Nam nhằm phát triển năng lực KH&CN của Việt Nam. Viện VKIST đang ngày càng phát huy tốt vai trò là hạt nhân kết nối hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước. Đồng thời là hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bộ Khoa học, Công nghệ, Thông tin và truyền thông Hàn Quốc hỗ trợ Bộ KH&CN Việt Nam triển khai thành công Hệ thống phân tích thông tin công nghệ dựa trên dữ liệu lớn - V-COMPAS phiên bản tiếng Việt. Đây là công cụ hữu ích giúp xây dựng chính sách phát triển KH&CN phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số hiện nay. V-COMPAS giúp các nhà chính sách, quản lý đánh giá được hiện trạng KH&CN của đất nước, xu thế phát triển của thế giới, phân tích được các tiềm năng và triển vọng của từng ngành, lĩnh vực, từ đó đề ra các chính sách phù hợp.
Ngoài ra, hai bên cũng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu khoa học giữa hai nước như cử cán bộ sang đào tạo tại Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực quản lý KH,CN&ĐMST cho cán bộ của Việt Nam, tổ chức hội thảo, hoạt động kết nối (Matching), trình diễn công nghệ (Tech-Roadshow), kết nối cung cầu (Tech-connect), Ngày hội khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Techfest). Bên cạnh những kết quả hợp tác nổi bật nêu trên, hai bên còn triển khai tích cực và hiệu quả trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Mở rộng hợp tác KH&CN
JCM9 được tổ chức nhằm chia sẻ các chính sách lớn trong lĩnh vực KH&CN giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc; đồng thời xem xét mở rộng cách thức hợp tác trong những lĩnh vực mới.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Lee Jong Ho cho biết, KH&CN đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế xã hội, với việc tăng cường phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tận dụng tối đa thế mạnh của nhau, có thể cùng nhau giải quyết những thách thức mà hai nước đang đối mặt thông qua hợp tác KH&CN. Ông Lee Jong Ho nhấn mạnh, với những kết quả nghiên cứu chung giữa hai nước và trao đổi nguồn nhân lực tích cực thông qua các dự án hợp tác tiêu biểu Viện VKIST, Hàn Quốc kỳ vọng rằng hợp tác KH&CN giữa hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa thông qua cơ chế JCM.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực KH&CN giữa Việt Nam và Hàn Quốc là rất lớn. Hai nước có thể bổ trợ cho nhau trong nhiều lĩnh vực. Nội dung thống nhất được ghi nhận tại Biên bản JCM9 thể hiện sự cam kết của hai bên trong việc thực hiện các nội dung hợp tác, tạo cơ sở tốt để thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện giữa hai bên trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tiềm năng hợp tác KH&CN giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Tại JCM9, Hàn Quốc đưa ra 3 chiến lược lớn và 17 nhiệm vụ của Kế hoạch KH&CN cơ bản lần thứ 5 giai đoạn 2023-2027; Việt Nam đưa ra chính sách đổi mới KH&CN nhằm nâng cao hiểu biết về chính sách KH&CN giữa hai nước. Hai bên cũng đánh giá lại chặng đường hợp tác KH&CN hai nước trong thời gian qua và đề ra phương hướng, biện pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước về KH,CN&ĐMST trở nên toàn diện hơn, nâng hợp tác KH,CN&ĐMST lên một tầm cao mới, đóng góp trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực.
Theo đó, hai bên thảo luận về một số định hướng chính bao gồm mở rộng quy mô, nâng tầm hợp tác KH,CN&ĐMST, đa dạng các hình thức hợp tác; Hỗ trợ Việt Nam triển khai giai đoạn 2 của Dự án VKIST; Thúc đẩy hợp tác về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và công nghệ lõi, công nghệ nguồn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam; Kết nối hợp tác hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Hàn Quốc; Kết nối cung cầu Việt Nam - Hàn Quốc; Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) Hàn Quốc tại Việt Nam.
Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc là cuộc họp thường kỳ được tổ chức theo Hiệp định hợp tác KH&CN Hàn Quốc - Việt Nam ký tháng 4 năm 1995. Cho đến nay, đã có 8 kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác KH&CN đã được tổ chức và thông qua đó, hai nước đã thảo luận nhiều phương thức hợp tác trong lĩnh vực KH&CN.
Đại diện hai bên chụp ảnh tại JCM9.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/nang-tam-hop-tac-khandcn-viet-nam-han-quoc-23748.html