Hội thảo nhằm phổ biến văn bản pháp quy quy định về việc đề xuất, tuyển chọn, quản lý, đánh giá nghiệm thu, chuyển giao công nghệ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia; phổ biến khung chương trình, chia sẻ cách thức viết đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được lựa chọn và vòng xét duyệt tiếp theo; thực trạng và định hướng KH&CN lĩnh vực y tế thuộc chương trình; đề xuất, trao đổi, thảo luận về nhu cầu triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc chương trình.
Chia sẻ về định hướng nghiên cứu y sinh và phát triển KH&CN lĩnh vực y tế, TS. Nguyễn Ngô Quang cho biết, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y tế có nhiều thành tựu, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc, đưa nền y học Việt Nam tiệm cận với thế giới, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Các thành tựu nổi bật như: công nghệ trong sản xuất vắc xin và các sản phẩm phục vụ công tác dự phòng; các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh; nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược; nghiên cứu ứng dụng công nghệ chẩn đoán, trị liệu tế bào; bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao; xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia, các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách y tế...
Bên cạnh những thành tựu, TS. Nguyễn Ngô Quang đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay, đó là sự thay đổi mô hình dân số, mô hình bệnh tật, thách thức trong quản lý hệ thống y tế và kinh tế y tế, phát triển y tế, thúc đẩy nghiên cứu Y sinh học là một đòi hỏi tất yếu…
Trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Ngô Quang, định hướng phát triển KH&CN ngành y tế trong các chuyên ngành cần làm chủ một số công nghệ thông tin trong Y tế bao gồm: công nghệ giám sát sức khỏe, chẩn đoán hình ảnh y - sinh học, phần mềm, mô hình, dữ liệu; công nghệ sinh học: y học cá thể hóa, công nghệ tế bào, giải mã gen...; y học dự phòng, y tế công cộng; chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ sản xuất thuốc, sinh phẩm điều trị; sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu...
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết, xác định ứng dụng KH&CN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và công nghệ y học hiện đại vào khám và điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bệnh viện liên tiếp có nhiều đột phá trong các lĩnh vực điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu như ghép tạng (ghép thận, ghép tim, ghép gan...).
Trong thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực y dược, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 25/90 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về lĩnh vực y dược (chiếm 27,8%). Hầu hết, kết quả của các nhiệm vụ đều được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn.
Tuy nhiên, theo TS. Hồ Thắng, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn tới, ngoài các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, một trong những giải pháp có tính đột phá đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ mới vào y tế.
Đặc biệt, thông qua Hội thảo, ngành KH&CN Thừa Thiên Huế cũng mong muốn Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của cả nước thông qua các chủ trương, định hướng, triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược như phát triển tiềm lực KH&CN, hình thành các thiết chế KH&CN trọng điểm và thực hiện các chương trình phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN của tỉnh.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về: thực trạng quản lý và định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y học tại Huế; thực trạng và nhu cầu phát triển nghiên cứu khoa học trong nghiên cứu y học của Bệnh viện Trung ương Huế; thực trạng và nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong các cơ sở đào tạo đại học khối ngành sức khỏe; thực trạng và nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực y học lâm sàng; nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Chương trình KC.10/2021-2030 nhằm ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Y tế, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Làm chủ được công nghệ tiên tiến phát triển một số sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. |
Link nội dung: https://vsta.org.vn/thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien-khandcn-linh-vuc-y-te-23789.html