Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo. |
Hội thảo nhằm đánh giá tình hình triển khai Chương trình KC 4.0 trong giai đoạn 2019-2023 và nghe ý kiến góp ý của các nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm vụ “Tập trung xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Ngày 17/9/2018, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Sau hơn 4 năm triển khai, với nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, việc triển khai Chương trình cũng gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có sự đánh giá nghiêm túc để định hướng cho việc triển khai giai đoạn tới.
Bên cạnh đề nghị tập trung thảo luận khung chương trình giai đoạn tới, Bộ trường Huỳnh Thành Đạt mong muốn các đại biểu thảo luận vấn đề cần có các nghiên cứu về các bộ quy tắc về đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0, các công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc đạo đức và trách nhiệm… để tạo thuận lợi, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 phát biểu tại hội thảo. |
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, thực tế số lượng các đề tài từ Đà Nẵng trở vào Nam tham gia chương trình còn khiêm tốn. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các viện nghiên cứu, trường đại học phía Nam, số sản phẩm giành giải cao ở khu vực này rất lớn, phát triển sôi động. Từ đó, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đề xuất cải tiến thủ tục hành chính để nhà khoa học nộp hồ sơ trực tuyến. Nếu không sẽ làm chậm quá trình đăng ký đề tài, nhất là đối với các nhà khoa học ở phía nam. Về đầu ra nghiên cứu, các công trình cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể, sản phẩm có sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 báo cáo sơ kết, đánh giá Chương trình. |
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 báo cáo sơ kết, đánh giá Chương trình. Theo đó, sau hơn 4 năm triển khai, đã có hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia Chương trình, trong đó đã lựa chọn, triển khai 74 nhiệm vụ với tính thiết thực cao, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực chủ lực, quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy việc tiếp cận với các thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, Chương trình KC 4.0 đã đạt được một số kết quả tích cực. Một số giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt của của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, robot... Thông qua chương trình, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học từng bước được nâng cao, hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ của công nghiệp 4.0. Hầu hết các nhiệm vụ đều có sản phẩm ứng dụng thực tế tại một tổ chức, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các nhiệm vụ đều có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt một số nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao, qua đó thúc đẩy sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Thông qua các nhiệm vụ, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước sẽ làm chủ các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy cũng nêu những khó khăn của Chương trình như: nghiên cứu vẫn dựa trên đề xuất của các đơn vị, doanh nghiệp; chưa có điều kiện để định hướng, hình thành các nhiệm vụ theo chuỗi công nghệ, giá trị, hướng đến đủ tầm ở dài hạn. Việc thương mại hóa được các sản phẩm không dễ dàng. Ngoài ra, do tác động của đại dịch Covid-19 một số nhiệm vụ của Chương trình đã bị chậm tiến độ…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Ngọc San, Trường Đại học Dầu Khí Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí. |
Tại hội thảo, một số kết quả nghiên cứu đã được báo cáo, đồng thời các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm của Chương trình cho giai đoạn tới. Theo đó, cần bám sát nhu cầu thực tiễn và các định hướng của Đảng và Nhà nước và bảo đảm được tính kế thừa, phát huy được điểm mạnh của Chương trình ở giai đoạn vừa qua; tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số.
HÀ LINH
Link nội dung: https://vsta.org.vn/hinh-thanh-mot-so-nhom-nghien-cuu-manh-ve-cong-nghe-cua-cong-nghiep-40-23797.html