Tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo diễn ra trong 3 ngày, từ 16-18/11 tại Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị, tầng 1, số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ông Dương Nguyên Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, sự kiện do Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị phối hợp với Hội Tự động hoá Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội đồng Nữ Doanh nhân Việt Nam – Asean, Chi Hội Doanh nhân Quốc tế Việt – Âu, Hội Kinh tế số, tổ chức.
Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa nhằm giới thiệu các sản phẩm ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, thủ công mỹ nghệ… tới các cá nhân, doanh nghiệp.
Ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) chia sẻ, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, các đơn vị trực thuộc bộ đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều sự kiện để hỗ trợ kết nối cung cầu công nghệ; hỗ trợ xây dựng và phát triển thị trường KHCN. Qua đó đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN).
Tuy nhiên, so với mục tiêu, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì những kết quả trong phát triển thị trường KHCN vẫn còn hết sức khiêm tốn. So với các thị trường khác như thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường lao động thì thị trường KHCN còn rất nhiều tồn tại, hạn chế về cả phía cung và phía cầu cũng như các đơn vị trung gian hỗ trợ kết nối cung cầu.
Trong 2 năm qua, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã phối hợp với các hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tại Sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị tại 24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội để kết nối cung cầu công nghệ, hỗ trợ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, kết nối những nghiên cứu của trường đại học với doanh nghiệp.
Theo đó, bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định nhưng các bên vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách.
Sự kiện hôm nay là 1 trong nhiều sự kiện Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và các hiệp hội đang hoạt động tại Sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng tổ chức các sự kiện trình diễn, giới thiệu, kết nối cung cầu công nghệ. Qua đó giúp các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối với DN, giúp các DN tìm kiếm thông tin công nghệ và các giải pháp để giải quyết bài toán phát triển sản xuất kinh doanh của mình.
“Chúng tôi hi vọng qua tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, các tổ chức KHCN, các nhà khoa học và DN có thể tìm kiếm được cơ hội hợp tác, nghiên cứu và phát triển để giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học gặp nhau, đạt nhiều kết quả về kinh tế”, ông Hiến bày tỏ.
Nhấn mạnh những thành tựu đạt được sau 2 năm khai trương tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương chia sẻ, đến nay tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo đã trở thành điểm hẹn thường niên.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST), Phó Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.
Với sự hỗ trợ đắc lực của các cán bộ Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Trung tâm thông tin, công nghệ và thiết bị, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học thông qua các sự kiện online và offline hàng tháng, hàng tuần tại đây thực sự đã nhận được nhiều giá trị.
Cụ thể, các doanh nghiệp và nhà khoa học, nhà sáng chế đã tăng tần xuất gặp gỡ, trao đổi thông tin về KHCN. Tăng hiệu quả giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước. Tăng hiện diện về sự đóng góp chất xám KHCN trong các sản phẩm của Việt Nam.
“Ngoài ra, chúng tôi còn giúp các DN tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy đầu tư, phát triển KHCN, giúp các nhà khoa học, DN nhỏ học tập kinh nghiệm từ các DN lớn, giúp DN gặp được các nhà khoa học để giải quyết vấn đề, nỗi đau của DN mình”, bà Hương Liên cho hay.
Theo đó, có một số hợp đồng điển hình đã được ký kết như công nghệ sản xuất vật liệu xây nhà giá rẻ từ phế thải xây dựng, công nghệ sơn chống chịu thời tiết, công trình ven biển, phục chế nhà cổ của PGS, TS Vũ Quốc Vương - Đại học Thuỷ lợi. Công nghệ siêu âm điện hoá xử lý môi trường nuôi tôm Huetronics. Đây là những công nghệ điển hình đã được nhận hợp đồng trực tiếp với các DN.
“Được khai trương trong thời COVID-19, vượt qua 2 năm khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, việc đạt những kết quả trên là rất đáng quý trọng, góp phần xây dựng Việt Nam phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch VST nhìn nhận.
Với những kết quả tích cực này, bà Hương Liên bày tỏ mong muốn được gặp gỡ các nhà khoa học, doanh nhân, nhà đầu tư nhiều hơn để trao đổi kinh nghiệm, nhìn tận mắt các sản phẩm KHCN, cũng nhau phát triển ý tưởng mới.
Đồng thời cập nhật thông tin với mục tiêu chung là thúc đẩy giao dịch thông tin KHCN, thương mại hoá, ứng dụng các kết quả KHCN, tạo thành những sản phẩm có giá trị với hàm lượng KHCN cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguyệt Minh
Link nội dung: https://vsta.org.vn/khai-mac-tuan-le-ket-noi-gioi-thieu-san-pham-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-23803.html