Tìm lời giải cho bài toán xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ

Để xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN thống nhất, toàn diện và đầy đủ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp xây dựng dữ liệu và sự phối hợp của các cơ quan quản lý, cơ quan thông tin, cán bộ nghiên cứu trên cả nước...

Phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế “Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và dịch vụ thông tin thông minh hỗ trợ đổi mới sáng tạo” ngày 22/11, TS Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về khoa học và công nghệ đang trở nên cấp thiết. Hoạt động này gắn liền với công tác quản lý khoa học ở cấp quốc gia, bộ ngành và địa phương.

“Để xây dựng được CSDL quốc gia về KH&CN thống nhất, toàn diện và đầy đủ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp xây dựng CSDL và sự phối hợp của các cơ quan quản lý, cơ quan thông tin và cán bộ nghiên cứu trên cả nước”, ông Hiến nhấn mạnh.

 

TS Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho rằng cần có sự thay đổi về phương pháp xây dựng CSDL khoa học công nghệ. Ảnh: Hà Anh.

Cũng theo ông Hiến, bên cạnh CSDL quốc gia về KH&CN, việc phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thông tin KH&CN. Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị to lớn của dữ liệu, hầu hết các tổ chức thường gặp khó khăn trong việc sử dụng dữ liệu do thiếu chuyên gia phân tích, cơ sở hạ tầng không đầy đủ hoặc không có các công cụ phân tích dữ liệu lớn phù hợp.

“Do đó, tại hội thảo này, chúng tôi muốn giới thiệu đến các viện, trường, đặc biệt là doanh nghiệp, những công cụ phân tích thông tin thông minh hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Các chuyên gia sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc và Việt Nam trong việc phát triển dịch vụ tư vấn và phân tích thông tin.

Qua đó, hỗ trợ cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ hoạch định chính sách, định hướng nghiên cứu và quyết định đầu tư công nghệ”, ông Hiến nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTI) trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và truyền thông Hàn Quốc; Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN Việt Nam) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển dịch vụ tư vấn và phân tích thông tin hỗ trợ cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

 

Cụ thể, TS Ji Young Park chia sẻ về dữ liệu khoa học Hàn Quốc và các hệ thống tích hợp dữ liệu quốc gia DataOn, ScienceOn. TS Sujin Lee chia sẻ về dịch vụ thông tin thông minh phục vụ đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc – KMAP; đánh giá công nghệ, nghiên cứu thương mại hoá công nghệ, nghiên cứu chiến lược đầu tư công nghệ.

ThS Đào Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia giới thiệu dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, kết nối với các hệ thống quản lý R&D khác và hệ thống thông tin KH&CN cấp tỉnh. Được biết, hội thảo là sự tiếp nối cho sự thành công của Khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (JCM9) tháng 10 vừa qua. Theo đó, phía Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về thông tin KH&CN, chuyển giao các hệ thống phân tích thông tin tiên tiến của Hàn Quốc cho Việt Nam.

 

Hà Anh

Link nội dung: https://vsta.org.vn/tim-loi-giai-cho-bai-toan-xay-dung-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-khoa-hoc-cong-nghe-23813.html