Khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh cho rằng, sự phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở các địa phương cần được tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

Chiều 24/11/2023, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia với chủ đề “Xây dựng chính sách phát triển hệ thống trung tâm ĐMST Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia và Tuần lễ ĐMST và Khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh 2023 (Techfest-Whise 2023).

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đang trên đà phát triển

Toàn cảnh Diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức nhằm nắm bắt được thực trạng tổ chức và hoạt động của các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại địa phương; tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế về mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp ĐMST. Đồng thời, thảo luận về định hướng, mô hình tổ chức và hoạt động của các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương. Từ đó, đề ra phương thức phối hợp, liên kết, tối ưu hóa và khai thác nguồn lực tổng thể cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, hệ sinh thái ĐMST cũng như các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh. Chỉ số xếp hạng trong Bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cho thấy hệ sinh thái của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới.

“Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, mục tiêu là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội. Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.

Nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN là đầu mối thực hiện. Bộ KH&CN đã có công văn hướng dẫn việc hình thành và phát triển Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương, bộ ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp ĐMST.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh, việc hình thành Trung tâm phải căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng Trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng và quốc gia, quốc tế; gợi ý chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động cụ thể để triển khai.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú. Điển hình như gần 20 địa phương đã và đang hình thành các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động. Nhiều Trung tâm khởi nghiệp ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian ĐMST tại Việt Nam.

Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ KH&CN nhận thấy cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh. Nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của các Trung tâm, chính sách tài chính cho việc vận hành, phát triển các Trung tâm... là những hoạt động cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Minh cũng chỉ ra rằng địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái riêng của mình trên cơ sở khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng.

Ngoài ra, các địa phương cần nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái ĐMST mở với sự tham gia của chính quyền, các doanh nghiệp lớn, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức mới về kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia và toàn cầu.

Cần nhiều chính sách đột phá

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia trong nước, quốc tế đã chia sẻ và đưa ra những gợi mở trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm khởi nghiệp ĐMST góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Đó là những gợi ý, trao đổi về cách thức phối hợp, tối ưu hóa nguồn lực cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nói chung và cụ thể là cho sự phát triển của các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST. Phương thức phối hợp khai thác cơ sở hạ tầng, vật chất, các chương trình, nguồn lực hỗ trợ... là các yếu tố quan trọng trong phát triển các mô hình đặc thù như Trung tâm khởi nghiệp ĐMST.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng Nguyễn Đình Vinh, đối với giải pháp về nguồn nhân lực cùng với các chính sách tuyển dụng đào tạo nhân lực; tạo môi trường làm việc thân thiện, minh bạch, bền vững. Ông Nguyễn Đình Vinh kiến nghị, các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST từ nguồn ngân sách cần có cơ chế chấp nhận rủi ro. Có chính sách ưu đãi, miễn thuế đất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong thời gian đầu. Cùng với chính sách giao khoán nhiệm vụ thông qua dịch vụ công để triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, cần tháo gỡ, quy định rõ ràng về tài sản công đưa vào phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh cần phân tích, đánh giá tính chất đặc thù, hướng phát triển... của từng địa phương để đưa ra định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của Trung tâm khởi nghiệp ĐMST phù hợp về tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, mô hình Trung tâm khởi nghiệp ĐMST đa dạng, với nhiều cách thức khác nhau từ trung ương đến địa phương, từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế. Việc phối hợp, liên kết các nguồn lực là vấn đề cần đặt ra, đặc biệt là hợp tác công - tư, hợp tác 3 bên (nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp), hợp tác trong nước - nước ngoài...

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN trình bày tại phiên thảo luận.

Theo ông Phạm Hồng Quất, việc phát triển các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam cần thiết nhất là những nguồn lực mềm, bên cạnh cơ sở hạ tầng; thứ hai là vị trí, với vai trò kết nối các nguồn lực. Trong các nguồn lực mềm, nguồn lực con người là quan trọng.

Để tháo gỡ khó khăn cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quy mô nhỏ, Giám đốc Sở KH&CN TP. Cần Thơ Ngô Anh Tín đề xuất Nhà nước ban hành chính sách giao khoán nhiệm vụ thông qua dịch vụ công, xây dựng các quy định, văn bản pháp lý cụ thể về việc trả lương cho nhà khoa học…

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Martin Kim, Giám đốc Trung tâm KSC tại Việt Nam cho biết mô hình trung tâm mang lại giá trị gia tăng và đột phá về KH&CN, có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế - xã hội. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ toàn diện cho các cho các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc có tiềm năng mở rộng toàn cầu cao, bao gồm không gian làm việc, khả năng tăng tốc, mạng lưới toàn cầu và thu hút đầu tư địa phương. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc chú trọng các yếu tố cần thiết để hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST hiện đại: vị trí các Trung tâm, nguồn lực con người (mentor/coach), nguồn lực tài chính hỗ trợ (các chương trình ươm tạo, các quỹ đầu tư), sự liên kết với khu vực tư nhân...

Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST giữa Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Cơ quan thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư Phần Lan (Bussiness Finland).

Các đại biểu tại Diễn đàn.

Link nội dung: https://vsta.org.vn/khai-thac-nguon-luc-the-manh-cua-dia-phuong-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-23829.html