Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phát biểu tại hội thảo |
Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản liên quan đến công nghệ vũ trụ đã triển khai từ năm 2006, bắt đầu bằng thỏa thuận hợp tác trong kiểm tra và xác định hợp tác tiềm năng trong phát triển công nghệ vũ trụ và ứng dụng ký kết giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), cập nhật năm 2013 và tiếp theo là thỏa thuận trong kiểm tra và xác định hợp tác tiềm năng trong phát triển công nghệ vũ trụ và ứng dụng năm 2018.
Từ năm 2006 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác như: Phóng các vệ tinh PicoDragon, NanoDragon, MicroDragon do các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, phát triển; phối hợp tổ chức Hội nghị Diễn đàn các cơ quan Hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào các năm 2008, 2013 và 2022; chia sẻ dữ liệu vệ tinh ALOS-2; Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản cung cấp các hiện vật để trưng bày trong Bảo tàng vũ trụ Việt Nam; Dự án “Chương trình hạt giống du hành vũ trụ” - AhiS; Cuộc thi lập trình Kibo Robot (Kibo-RPC);…
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đồng thời là dự án về khoa học, công nghệ được đầu tư lớn nhất trong vòng 35 năm nay. Đây được coi biểu tượng hợp tác về khoa học, công nghệ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Tại sự kiện, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh nhấn mạnh, Nhật Bản là đối tác quan trọng để Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, mở rộng và đa dạng hóa những hướng hợp tác nhằm phát triển ngành công nghệ vũ trụ tại Việt Nam một cách toàn diện hơn sau khi đã có những điều kiện cơ bản. Bên cạnh đó “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành ngày 4/2/2021 mở đường cho sự phát triển về khoa học, công nghệ vũ trụ trong giai đoạn mới, với những nhiệm vụ rất cụ thể như: Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường, hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ vũ trụ.
Giáo sư, Tiến sĩ Yamakawa Hiroshi- Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản phát biểu tại hội thảo |
Giáo sư, Tiến sĩ Yamakawa Hiroshi - Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản khẳng định Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ, đặc biệt sẽ hỗ trợ khai thác hiệu quả dữ liệu từ vệ tinh LOTUSat-1 sắp tới cũng như vận hành hiệu quả Trung tâm vũ trụ Việt Nam, từ đó góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, bền vững của hai đất nước.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho biết, ngày 27/11 vừa qua, tại Thủ đô Tokyo, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh và Giáo sư, Tiến sĩ Yamakawa Hiroshi đã ký “Thỏa thuận triển khai về nghiên cứu khả thi trong hợp tác khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ”. Thỏa thuận hợp tác này sẽ là cơ sở để hai bên chia sẻ các kinh nghiệm vận hành khai thác vệ tinh LOTUSat-1 trên quỹ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai quốc gia.
HÀ LINH
Link nội dung: https://vsta.org.vn/thuc-day-hop-tac-khoa-hoc-va-cong-nghe-giua-viet-nam-va-nhat-ban-23834.html