Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc 2 Bộ, các nhà khoa học, chuyên gia ngành y tế.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế, thời gian qua với sự cố gắng nỗ lực chung các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vắc xin, thuốc, dược liệu.
Trong chẩn đoán và điều trị, về cơ bản đã tiếp thu, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới trong nhiều chuyên khoa, được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước, như các cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng với 11/12 loại vắc xin, góp phần bảo đảm an ninh vắc xin quốc gia.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của ngành y tế vẫn còn tập trung tại tuyến trung ương, tuyến cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, chưa phát huy hết khả năng của ngành; nhiều nghiên cứu còn mang tính nhỏ lẻ... "Do đó cần có sự đầu tư, cố gắng nhiều hơn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành, phối hợp trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KH&CN cũng như trong xây dựng, triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN thuộc lĩnh vực y tế " - Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.
Báo cáo hoạt động KH,CN&ĐMST ngành y tế, Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo Nguyễn Ngô Quang cho biết: Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng (đến nay đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu), can thiệp tim mạch, ung thư, hồi sức cấp cứu, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân, trị liệu tế bào… với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với ở nước ngoài.
Bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X-quang, laze, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa. Việc chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19 khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu sản xuất một số trang thiết bị y tế công nghệ cao.
Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cho biết 9 định hướng phát triển KH&CN ngành y tế thời gian tới, ưu tiên những lĩnh vực như: công nghệ 4.0 trong y tế; công nghệ sinh học; y học dự phòng, y tế công cộng; chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ sản xuất thuốc, sinh phẩm điều trị; sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu; thiết bị y tế; nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tham luận tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chuyên môn của 2 Bộ đã trao đổi, giải đáp một số nội dung còn vướng mắc liên quan đến nghiên cứu KH&CN thuộc lĩnh vực y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y tế thời gian qua. Các kết quả trong lĩnh vực y tế rất ấn tượng, đóng góp nhiều cho các kết quả KH&CN trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia ngành y tế đã có nhiều nghiên cứu KH&CN có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới 2 Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ KH&CN và Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình KH&CN đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Xây dựng chủ trương pháp luật của Nhà nước, trước mắt là sửa đổi Luật KH&CN và Luật Năng lượng nguyên tử; Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình từ nay đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050; Xây dựng cơ chế để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các chương trình KH&CN liên quan trực tiếp đến y tế tiêu biểu là 3 chương trình KC10, KC11, KC12; Đồng thời phối hợp hiệu quả hơn trong tháo gỡ vướng mắc, cũng như đề xuất các cơ chế để phê duyệt, triển khai các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế; trong việc xây dựng thể chế, chính sách về KH,CN&ĐMST lĩnh vực y tế và các nội dung cần có ý kiến của hai bên...
Link nội dung: https://vsta.org.vn/tang-cuong-phoi-hop-trong-cong-tac-quan-ly-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-linh-vuc-y-te-23842.html