Năng lực được nâng tầm
Việt Nam từ lâu đã rất chú trọng đến vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam xác định KHCN là một trong những động lực quan trọng cho phát triển. Đồng thời coi phát triển KHCN là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt.
Tại toạ đàm "Cần cơ chế, chính sách đột phá để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển" diễn ra mới đây, TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, hiện trình độ các nhà khoa học, các đơn vị KHCN trong nước đã được cải thiện và hoàn toàn có đủ khả năng để đảm nhiệm những công trình lớn mà từ trước đến nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài.
Gần đây có một số công trình của đất nước, các đề tài lớn của Việt Nam đã được thành công và ứng dụng trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Các chuyên gia tại tọa đàm "Cần cơ chế, chính sách đột phá để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển".
Đơn cử, trước năm 2003, hầu hết các công trình thuỷ điện trong nước đều được thực hiện bởi nước ngoài với giá thành rất cao. Khi Việt Nam cần bảo dưỡng, phải mời các đơn vị nước ngoài sang để bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế với giá thành cao, và không chủ động được thời gian.
Từ khi có quyết định 797 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ cho phép mua công nghệ, thiết bị cơ khí cho dự án, dự án đầu tiên áp dụng cơ chế này là dự án thủy điện A Vương.
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã làm tới 29 công trình trong nước, trong đó có công trình thuỷ điện Sơn La 2.400 MW và công trình thuỷ điện Lai Châu 1.200 MW.
Công nghệ ứng dụng tại các nhà máy thuỷ điện như Nhiệt điện sông Hậu 1, Thái Bình 1, Nghi Sơn 2… đã đạt chất lượng tương đương với công nghệ của các nước G7, với tỷ lệ nội địa hoá từ 50% - 90% giá trị dự án.
Chất lượng các dòng xe điện VF8, VF9 và VF5 được Vinfast ra mắt gần đây đã được đánh giá là hoàn toàn tương đương với các hãng công nghệ được thị trường Mỹ chấp nhận.
“Thành công này không chỉ cho riêng Vinfast mà còn cho thấy các nhà khoa học Việt Nam đã sẵn sàng làm chủ được công nghệ để làm ra các sản phẩm mà trước đây là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài”, chuyên gia nhấn mạnh.
Dám “chơi” và chấp nhận rủi ro
Tuy vậy, theo TS Phan Đăng Phong, việc nghiên cứu KHCN cần phải chấp nhận rủi ro. Lâu nay, Việt Nam vẫn giữ quan điểm làm đề tài KHCN thì phải thành công. Quan điểm này cần phải được thay đổi. Phải chấp nhận có những đề tài nghiên cứu nhưng không thành công.
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành cho hay, nghiên cứu khoa học luôn có tính rủi ro. Rủi ro có thể đến từ người ra đề bài, quá trình phê duyệt kéo dài hay quá trình triển khai, giám sát, thậm chí khi ra sản phẩm vẫn có rủi ro.
Tác động của sản phẩm công nghệ cũng luôn có 2 mặt tích cực – tiêu cực. Chẳng hạn, công nghệ hạt nhân rất nguy hiểm nhưng cũng có ích.
“Vì vậy, Nhà nước khi đầu tư cho các sản phẩm KHCN phải chấp nhận rủi ro. Hãy nhìn các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm đang làm, họ “chơi” như thế nào sẽ học hỏi rất nhiều trong cách đánh giá rủi ro. Rủi ro có thể 90% nhưng chỉ cần 10% chiến thắng cũng đem lại những lợi ích to lớn chưa từng có”, chuyên gia Võ Trí Thành nêu.
Theo TS Võ Trí Thành, một tư duy chính sách rất quan trọng là không nên chọn người chiến thắng mà nên ủng hộ người chiến thắng. Họ đã bươn chải có sáng kiến, phát minh, đóng góp về KHCN để phát triển cơ quan, tổ chức, qua đó chứng minh được năng lực của họ. Do vậy, phải có chính sách hỗ trợ họ tiếp tục phát triển.
“Dù rủi ro đến đâu thì vẫn phải dám “chơi” vì không dám “chơi” thì Việt Nam mãi lẹt đẹt, dám “chơi” mới có cơ hội. Việc đầu tư vào KHCN phải mạnh mẽ, dám làm. Những gì nhận được sau những nghiên cứu KHCN dù thành công hay thất bại đều có ý nghĩa”, ông Thành nêu.
Cho rằng hoạt động nghiên cứu KHCN có tính rủi ro cao nên chuyên gia khuyến nghị, không hành chính hoá hội đồng, tổ chức ra đề tài. Phải là những chuyên gia đầu ngành để đưa ra đề bài tốt, câu hỏi phù hợp. Trong nghiên cứu KHCN, nếu có đề bài tốt thì đã chiếm gần một nửa thành công của dự án, đề tài khoa học đó.
Bên cạnh việc làm tốt khâu ra đề bài thì vấn đề thời gian ký duyệt đề tài, quá trình giám sát, nghiệm thu… cũng phải được chú trọng. Hoạt động nghiên cứu có thể thất bại nhưng sẽ ra ý tưởng khác. Hoặc vì sao nghiên cứu thất bại, cần phải nhìn nhận, tìm hiểu lý do.
Trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến nghiên cứu KHCN, phải làm sao để quy trình, thời gian không làm hao tổn sinh lực, thời gian của nhà nghiên cứu vào câu chuyện hành chính và giải ngân.
Ngoài ra, cần linh hoạt trong cơ chế thực thi. Sự phối hợp, chia sẻ với rủi ro với DN trong đầu tư vào nghiên cứu KHCN có ý nghĩa quan trọng.
Về vấn đề này, chuyên gia Phan Đăng Phong cho rằng, đã đến lúc Nhà nước phải xây dựng được cơ chế chính sách để nếu không thành công thì đề tài đó sẽ xử lý như thế nào, nghiệm thu ra sao? Bởi lẽ trên thực tế, có những đề tài phải nghiên cứu 2, 3 lần mới thành công.
TS Phong cho biết thêm, để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, cần quy định về thời gian cụ thể từ lúc đăng kí đề tài đến khi kí hợp đồng, có thể từ 3-6 tháng. Trường hợp chậm phê duyệt nên có cơ chế bù chi phí cho doanh nghiệp đã lấy vốn tự có, vay ngân hàng được triển khai trước đó.
Thu An
Link nội dung: https://vsta.org.vn/phai-dam-chap-nhan-rui-ro-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-23856.html