Báo cáo "Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023" công bố ngày 11/1, với chủ đề "Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo". Ấn phẩm do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP xây dựng, dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC). Đây là năm thứ 3 báo cáo được thực hiện.
Báo cáo được xây dựng dựa trên số liệu khảo sát, phân tích, dự báo từ các chuyên gia lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ. Các phân tích về xu hướng đổi mới sáng tạo trong báo cáo, những tiềm năng và thách thức giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng công nghệ trên thế giới và khu vực. Báo cáo còn đề xuất cách thức tiếp cận và hướng dẫn doanh nghiệp tiến tới đổi mới sáng tạo mở.
Năm nay thay vì tổng hợp các nội dung ở một báo cáo dài duy nhất, báo cáo được trình bày bằng hai ngôn ngữ Việt, Anh dưới dạng bộ ba cuốn nội dung riêng.
Ở cuốn thứ nhất "Thế giới 2030 - Những xu hướng sẽ định hình tương lai", tập trung các xu hướng và cách thức đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tập đoàn. Nội dung cũng phân tích sâu hơn về sự trỗi dậy của các loại hình kinh tế mới và xu hướng trong 3 lĩnh vực: Sales & Marketing 4.0; An ninh mạng & Bảo mật dữ liệu; Ứng dụng của Blockchain. 12 ưu tiên của nhà lãnh đạo trong bối cảnh thế giới BANI tầm nhìn 2030 được liệt kê và nhấn mạnh tầm quan trọng của tài sản trí tuệ.
Cuốn thứ hai cập nhật hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, bao gồm kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng đổi mới sáng tạo của ba chủ thể nhà nước, doanh nghiệp & startup kể từ 2022.
Cuốn thứ ba "Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo" là điểm mới trong báo cáo năm nay. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc; Israel; khu vực Vịnh Lớn (Quảng Đông - Macau - Trung Quốc); Thái Lan và Singapore được thống kê. Ngoài ra 43 bản đồ giải pháp các lĩnh vực với hơn 3.000 đơn vị startup và doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Con số này cao gấp đôi so với báo cáo năm 2022 và đặc biệt Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore là 3 quốc gia nước ngoài có số lượng startup ghi danh nhiều nhất.
Các phân tích cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ kinh tế thế giới. Tính đến tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ USD được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ USD/tháng của năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kỳ lân cũng đã giảm mạnh, chỉ tăng 8.5% (từ 2022 đến 2023) so với 67% (từ 2021 đến 2022) và 80% (từ 2020 đến 2021). Số lượng kỳ lân mới trung bình hàng tháng của năm 2023 cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.
Báo cáo 2023 cũng chỉ ra các phân tích chuyên sâu và đa chiều về đặc điểm hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Phần mềm & Dữ liệu tiếp tục là lĩnh vực được lựa chọn nhiều nhất để các nhà sáng lập thành lập ra các công ty khởi nghiệp mới, chiếm tỷ lệ 31,95%. Các lĩnh vực phổ biến theo sau lần lượt là Healthtech (12,83%) và Fintech (10,43%). Ngành Thương mại điện tử & bán lẻ, công nghệ xã hội và giải trí kém hấp dẫn hơn với startup (giảm so với năm 2022, từ 9,76% còn 9,47% cho ngành Thương mại điện tử & Bán lẻ và từ 10,38% xuống 9,74% cho ngành Công nghệ xã hội & giải trí. Năm qua cũng đánh dấu sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu như San Francisco, Bắc Kinh và Thượng Hải.
Phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Năm 2023, con số là 0,4% - thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm 2022.
Xu hướng công nghệ thế giới đến năm 2023 cũng được đưa ra, trong đó công nghệ có quy mô về mặt thị trường tầm nhìn đến 2030 lớn nhất vẫn là IoT (internet vạn vật), xếp kế là trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, hydrogen xanh, hay công nghệ xe điện là nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Báo cáo chỉ ra để doanh nghiệp tồn tại bền vững cần ưu tiên thích ứng với xu hướng thế giới cũng như bảo đảm về tài sản trí tuệ của mình. Cụ thể, "tài sản trí tuệ" là động lực tăng trưởng quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm, để có thể phát triển bền vững trước sự thay đổi chóng vánh của thị trường công nghệ. Đặc biệt với nhóm startup, thay vì chỉ dừng lại ở thương hiệu hay giải pháp công nghệ, tài sản trí tuệ được bảo đảm mới là động lực về vốn quan trọng hơn hết.
Như Quỳnh
Link nội dung: https://vsta.org.vn/cong-bo-bao-cao-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-mo-viet-nam-2023-23892.html