TP HCM tìm giải pháp đổi mới sáng tạo cho khu vực công

Lần đầu tiên TP HCM tổ chức tìm kiếm, ươm tạo các dự án khởi nghiệp sáng tạo mang tính ứng dụng phục vụ nâng cao năng lực quản lý trong khu vực công.

Chương trình tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công 2024 (Gov.Star) lần 1 được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM công bố hôm 3/4. Mục tiêu chương trình nhằm tìm kiếm các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số giúp giải quyết các bài toán trong quản lý hoạt động công vụ ở các sở ngành (Sở giáo dục và Đào Tạo, Sở Y tế) và UBND các quận huyện, phường xã trên địa bàn TP HCM.

Gov.Star được thiết kế dành cho các cá nhân, nhóm dự án, doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo có khả năng chuyển giao ứng dụng vào quản lý, điều hành hoạt động công vụ tại các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, bệnh viện... Các mô hình, giải pháp được lựa chọn sẽ nhận hỗ trợ tài chính, ươm tạo để hoàn thiện và giới thiệu tới các sở ngành, địa phương triển khai thí điểm thực tế.

UBND quận 1 thí điểm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho việc cấp giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký sử dụng tạm vỉa hè...ra mắt hồi tháng 3/2023. Ảnh: Hà An

UBND quận 1 thí điểm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho việc cấp giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký sử dụng tạm vỉa hè... ra mắt hồi tháng 3/2023. Ảnh: Hà An

Theo bà Đặng Thị Luận, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM (Sihub), trong 6 tiêu chí đánh giá, Ban tổ chức sẽ đặt trọng tâm vào các công trình có khả năng ứng dụng cao và năng lực triển khai thực tế của nhóm dự án, bên cạnh các tiêu chí về ứng dụng công nghệ, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội...Hội đồng tuyển chọn dự án là các chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư; đại diện các sở ngành, phường xã là cơ quan thụ hưởng các giải pháp của nhóm dự án.

Quy trình xét chọn gồm bốn giai đoạn thực hiện trong năm nay. Dự án tham gia vòng sơ tuyển sẽ giới thiệu sản phẩm, giải pháp với hội đồng tuyển chọn. Tại vòng này dự án được tham gia huấn luyện kỹ năng thuyết trình, thuyết phục hội đồng. 30 dự án vượt qua vòng sơ loại đi tiếp vào vòng tranh đấu với 15 phút thuyết trình để chọn 12 dự án vào vòng ươm tạo. Khi tham gia ươm tạo các dự án có cơ hội nhận gói hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng.

Các nhóm dự án được đào tạo và cố vấn, hỗ trợ kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước để khảo sát, phỏng vấn tìm hiểu nhu cầu giúp hoàn thiện giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh.

Tại vòng Demo Day, các dự án được tăng cường hơn nữa việc kết nối các đơn vị thụ hưởng làm cơ sở triển khai thực tế. Các tổ chức, cá nhân tham gia có thể đăng ký thông qua hai đầu mối của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM là Sihub và Phòng quản lý Sở hữu Trí tuệ - đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng đánh giá, trọng tâm chương trình không phải là dùng công nghệ gì mà là dùng công nghệ thế nào để giải quyết vấn đề cụ thể cho các sở ngành, địa phương. Đây được coi là cơ hội cho một số doanh nghiệp đã có giải pháp công nghệ, nhưng chưa tìm ra thị trường cụ thể. Khi tham gia chương trình, doanh nghiệp tiếp tục cải tiến công nghệ cho mục tiêu giải quyết vấn đề khu vực công đang cần.

Ông cho biết Sở sẽ "tạo mọi điều kiện để các nhóm dự án có thể tiếp cận một cách tối đa khách hàng là các sở ngành, quận huyện để đưa vào ứng dụng thực tiễn". Dự án khi thực hiện thành công tại một phường, xã sẽ rất tiềm năng triển khai nhiều phường khác tại TP HCM.

Hà An

Link nội dung: https://vsta.org.vn/tp-hcm-tim-giai-phap-doi-moi-sang-tao-cho-khu-vuc-cong-24016.html