Hoạt động KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp đạt nhiều kết quả ấn tượng
Toàn cảnh Hội nghị.
Kết quả báo cáo tại Hội nghị cho biết, giai đoạn 2021-2023, từ các kết quả nghiên cứu KH&CN, Bộ NN&PTNT đã công nhận 141 giống mới, 83 tiến bộ kỹ thuật mới, 21 sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận; công bố mới 245 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và đề xuất ban hành mới 11 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Các giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ mới… đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất giúp giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30% góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành.
Nhờ những đóng góp của KH&CN, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp khá cao, bình quân 3 năm giai đoạn 2021-2023 đạt 3,35%/năm (giai đoạn 2016-2020 đạt 2,62%/năm), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt 154,8 tỷ USD, bình quân đạt trên 51,61 USD/năm, cao hơn so với mức 36,63/năm giai đoạn 2016-2020. Năm 2023 tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, giá trị gia tăng toàn ngành tăng cao, đạt 3,83%.
Báo cáo cũng nêu lên một số khó khăn và đề xuất sửa đổi trong thời gian tới như: Đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ NN&PTNT sửa đổi Luật KH&CN; Nghị định 70/2018/NĐ-CP; Rút ngắn thời gian chờ thẩm định TCVN và QCVN; Đẩy mạnh việc kết nối cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia; Các chương trình KH&CN cần triển khai không bị cắt khúc, gián đoạn…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho rằng, trong giai đoạn 2021-2023, hoạt động KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp đã có tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời xây dựng kế hoạch và đưa vào triển khai thực hiện các chương trình KH&CN cấp quốc gia, các cụm nhiệm vụ trọng điểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành nông nghiệp; Phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng, hệ thống TCVN/QCVN ngành nông nghiệp từng bước đã được bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc 2 Bộ đã trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn và đưa ra giải pháp để nâng cao hơn nữa các hoạt động phối hợp trong thời gian tới. Đồng thời những đề xuất, kiến nghị của Bộ NN&PTNT về đổi mới chính sách KH&CN, cơ chế thu hút nhân lực KH&CN, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ, cho thuê tài sản liên doanh liên kết… đã được đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN trao đổi, giải đáp.
Khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, đồng thời thể hiện sự quyết tâm đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong triển khai các nhiệm vụ chương trình KH&CN nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ trưởng mong muốn hai bên có sự phối hợp tốt hơn trong thời gian tới để truyền tải các sản phẩm, thành quả KH&CN mà ngành nông nghiệp đạt được.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái thể hiện sự quyết tâm đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong triển khai các nhiệm vụ chương trình KH&CN.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ và hợp tác cùng triển khai tổ chức diễn đàn, hội thảo, trưng bày sản phẩm KH&CN ngành nông nghiệp… nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật mới cũng như kết nối giữa cung và cầu, đánh giá phản hồi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm KH&CN nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị hai bên thống nhất cơ chế phối hợp đối với mô hình liên doanh, liên kết KH&CN, hợp tác công tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học để tránh thất thoát chất xám của các nhà khoa học và đưa các sản phẩm KH&CN vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh việc đưa tư duy thị trường vào phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp: “Tư duy thị trường là tư duy sống còn của các viện, trường”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, trong Chương trình hợp tác giữa 2 Bộ bổ sung nội dung triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa, ứng dụng KH&CN mới, năng lượng nguyên tử nhằm tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, điều hành nông nghiệp…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc đưa tư duy thị trường vào phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt điểm lại những nội dung phối hợp đã được triển khai bài bản giữa 2 Bộ thời gian qua đạt được những kết quả đánh khích lệ như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN/QCVN trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các nhóm sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, hoạt động bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Bộ trưởng tin tưởng đây sẽ là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị hai Bộ tiếp tục phối hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để sửa đổi Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp; Phối hợp triển khai thành công Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Khu công nghệ cao trong đó có Khu nông nghiệp ứng dụng cao; Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp
Bộ KH&CN cam kết đồng hành cùng Bộ NN&PTNT triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa, ứng dụng năng lượng nguyên tử, công nghệ viễn thám vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN mong muốn Bộ NN&PTNT huy động lực lượng các nhà khoa học trong ngành tích cực tham gia vào chương trình KH&CN cấp quốc gia, từ đó đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng hưởng ứng đề xuất của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc tổ chức diễn đàn về KH,CNĐMST phục vụ nông nghiệp và thí điểm trưng bày sản phẩm KH&CN ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đó, 2 Bộ trưởng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham quan một số phòng thí nghiệm thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/xay-dung-thi-diem-chinh-sach-phat-trien-khandcn-trong-linh-vuc-nong-nghiep-24043.html