Đây là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học, lãnh đạo một số tổ chức KH&CN công lập, chuyên gia từ nhiều bộ ngành và cán bộ nhân viên Trung tâm. Bà Bùi Thị Huy Hợp- Phó giám đốc phụ trách VISTIP chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Bùi Thị Huy Hợp nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập quốc tế về KH&CN trong bối cảnh hiện nay và cho biết tọa đàm là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) với Vương quốc Hà Lan trong tương lai gần.
Bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc phụ trách VISTIP.
"Tọa đàm là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quản lý và các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ ý tưởng, và khám phá những cơ hội hợp tác tiềm năng trong các lĩnh vực KH&CN với Vương quốc Hà Lan", bà Hợp nói.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các diễn giả đã trình bày các chủ đề liên quan đến những thành tựu KH&CN của Hà Lan, cũng như cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ Hà Lan trong các lĩnh vực khoa học thủy lợi, công nghệ chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học, khoa học sự sống, sự kết hợp giữa nghiên cứu xã hội và phát triển công nghệ trong nghiên cứu chống biến đổi khí hậu kết hợp với duy trì sinh kế bền vững. Các phiên thảo luận sôi nổi đã diễn ra, tạo điều kiện cho các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ hợp tác mới.
Bà Nguyễn Hồng Nhung - Phụ trách Phòng Nghiên cứu khoa học trình bày báo cáo về “KH,CN&ĐMST của Vương quốc Hà Lan”. Hà Lan là đối tác quan trọng, với nhiều dự án hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng tái tạo, quản lý nước với Việt Nam. Hai quốc gia đã ký kết các văn bản hợp tác, tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế về KH&CN. Bà đề xuất tiếp tục trao đổi thông tin, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu, tạo điều kiện cho tổ chức KH&CN phát triển hoạt động nghiên cứu cũng như tạo điều kiện doanh nghiệp hai nước hợp tác và thu hút đầu tư KH&CN từ Hà Lan.
Bà Nguyễn Hồng Nhung báo cáo về “KH,CN&ĐMST của Vương quốc Hà Lan”.
PGS. TS. Lê Hải Trung - Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác với Hà Lan tại Trường Đại học Thủy lợi, bao gồm các dự án nghiên cứu chung, các chương trình hợp tác đào tạo và tư vấn. Đặc biệt là dự án “Phòng thí nghiệm mở về Rừng ngập mặn” (Mangrove Living Lab). Dự án này nhằm mục đích khôi phục rừng ngập mặn, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn xói mòn bờ biển ở các vùng đồng bằng nhiều sông ngòi của Việt Nam. Tại “Phòng thí nghiệm”, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm những ý tưởng mới nhằm khôi phục rừng ngập mặn, đồng thời nghiên cứu để phát triển bền vững hệ sinh thái, kinh tế và đời sống xã hội của người dân trong khu vực rừng ngập mặn. Nội dung này được các đại biểu đặc biệt quan tâm, là cơ hội để không chỉ các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực KH&CN mà cả các chuyên gia kinh tế, nhân học, xã hội học… cùng đóng góp ý tưởng, xây dựng và phát triển rừng ngập mặn.
PGS. TS. Lê Hải Trung - Trường Đại học Thủy lợi báo cáo về “Kinh nghiệm hợp tác KH&CN với Hà Lan tại trường Đại học Thủy lợi”.
Trong báo cáo về “Công nghệ trong nông nghiệp của Hà Lan” của TS. Đoàn Thu Thủy (VISTIP) chia sẻ, nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Hà Lan. Để đạt được thành tựu này, Hà Lan đã áp dụng nhiều chính sách phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp thông minh). Yếu tố quyết định nên sự thành công của nông nghiệp Hà Lan là sử dụng công nghệ cao cũng như có các quy hoạch, dự báo chuẩn với ngành nông nghiệp. Một số cơ hội hợp tác về công nghệ trong nông nghiệp cũng được TS Thủy chia sẻ tại Tọa đàm.
TS. Đoàn Thu Thủy báo cáo “Công nghệ trong nông nghiệp của Hà Lan”.
Qua những trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, đại biểu tham dự tọa đàm đã có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về chính sách và những thành tựu, thế mạnh về KH&CN của Vương quốc Hà Lan thông qua đó có thể gợi mở những hướng nghiên cứu, tham mưu, xây dựng đề xuất chính sách tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm hỗ trợ phát triển KH,CN&ĐMST tại Việt Nam cũng như phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác KH,CN&ĐMST Vương quốc Hà Lan trong thời gian tới.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/toa-dam-chia-se-kinh-nghiem-va-co-hoi-hop-tac-ve-khoa-hoc-va-cong-nghe-voi-vuong-quoc-ha-lan-24110.html