Cát sâm (Callerya speciosa) là 1 trong 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hoạt tính dược lý của dược liệu Cát sâm. Hợp chất có hoạt tính sinh học chính của Cát sâm là flavonoid, polysaccharid và tác dụng dược lý chính của Cát sâm là tác động lên hệ miễn dịch, bảo vệ gan, tác động đến hệ hô hấp, tác động đến chức năng tạo máu.
Cao Bằng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về đa dạng sinh học, nơi sinh trưởng trên 617 loài cây thuốc quý như ba kích, cát sâm, đảng sâm, kim anh, kim ngân, hy thiêm, hà thủ ô đỏ, qua lâu... trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn cao về hàm lượng, công dụng y học và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nguồn dược liệu quý của Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc bảo tồn và khai thác phát triển bền vững nguồn dược liệu quý chưa được ưu tiên quan tâm. Quảng Hoà là huyện thuộc vùng có lượng mưa cao, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây dược liệu phân bố ngoài tự nhiên trong đó có cây Cát sâm.
Trong thời gian thực hiện, Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện được quy trình nhân giống từ hạt, quy trình trình trồng cây Cát sâm. Ngoài ra dự án đã xây dựng được mô hình trồng cây Cát sâm với diện tích là 01 ha số lượng là 5.000 cây sinh trưởng, phát triển tốt. Dự án đã tổ chức đào tạo, tập huấn được 20 người dân nắm vững được quy trình nhân giống và trồng cây Cát sâm tại xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Tháng 05 năm 2024, dự án đã được nghiệm thu với kết quả Đạt tại Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu dự án KH&CN cấp cơ sở do ông Bế Đăng Khoa Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng làm chủ trì.
Mô hình trồng cây Cát sâm sau 1 năm tại xã Cai Bộ, huyện Quảng Hoà tỉnh Cao Bằng.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/ung-dung-khandcn-xay-dung-mo-hinh-phat-trien-cay-duoc-lieu-cat-sam-tai-cao-bang-24156.html