Ngày 19/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội nghị giao ban các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngành toàn quốc năm 2024.
Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, hiện nay, tổng số có 93 hội ngành toàn quốc là thành viên VUSTA.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hội ngành có những hoạt động tư vấn phản biện sôi nổi, bám sát tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, góp ý các dự án luật như Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Luật Quảng cáo; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá…đồng thời, phản biện các Nghị quyết của Trung ương và một số địa phương.
Một số hội ngành đã triển khai các đề tài, nhiệm vụ, dự án KH&CN từ nguồn kinh phí do VUSTA hỗ trợ; đồng thời đăng ký các đề tài, nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp nhà nước và các đề tài nghị định thư. Một số hội thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia như: Hội Vật lý Việt Nam thực hiện Chương trình Phát triển Vật lý giai đoạn 2021-2025.
Các hội ngành cũng đã quan tâm phối hợp nhiều hơn hoạt động với các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác đề xuất, tham mưu chính sách trong các lĩnh vực chuyên ngành như Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện nghiên cứu về kinh tế tư nhân và thể chế, phối hợp với Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu về FDI trong bối cảnh mới.
Nhiều hội viên của Hội Giống cây trồng Việt Nam đã nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được nhà nước và đông đảo bà con nông dân đánh giá cao như giống lúa lai thơm có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo ngon, năng suất cao; sản xuất hạt lai F1 đạt năng suất cao.
Hoạt động truyền thông và phổ biến kỹ thuật KH&CN được chú trọng triển khai để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất.
Một số hội đã triển khai cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn tại các trung tâm trực thuộc như Trung tâm thuộc Hội Đo lường Việt Nam tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo về xây dựng hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025, ISO 9001, ISO 15189...
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác quản lý của nhiều hội ngành còn chưa chặt chẽ, thiếu các quy chế, quy định về quản lý và hoạt động.
Các hình thức tập hợp trí thức còn đơn điệu, thiên về tính hàn lâm, thiếu hoạt động liên kết doanh nghiệp và thiếu tính xã hội, dẫn đến nhiều tầng lớp người dân trong xã hội ít biết đến Hội.
Nội dung các hoạt động chưa hấp dẫn, đặc biệt đối với trí thức trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều Hội chưa tổ chức được nhiều diễn đàn phù hợp để trí thức có thể bày tỏ quan điểm và phát biểu ý kiến đóng góp vào những vấn đề phát triển đất nước...
Phát biểu tại Hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đánh giá, thời gian qua các hội ngành toàn quốc có vai trò quan trọng đối với công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.
TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết, VUSTA đang thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy chế, quy định của VUSTA bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới. Rà soát các tổ chức KH&CN hoạt động kém hiệu quả, vi phạm các quy định của VUSTA, xem xét đình chỉ hoạt động, tiến đến giải thể theo quy định...
Trong thời gian tới, VUSTA mong muốn các hội ngành toàn quốc sẽ tiếp tục tích cực tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của VUSTA, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm cao đối với việc xây dựng và phát triển VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ở trong và ngoài nước, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương đề nghị các hội ngành đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; củng cố và phát triển tổ chức; tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; truyền thông và phổ biến kiến thức; nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; tôn vinh trí thức và hợp tác quốc tế về KH&CN.
Chủ động triển khai thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa VUSTA và các hội ngành toàn quốc. Phối hợp với VUSTA kiến nghị, đề xuất các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, có lộ trình cụ thể chuyển giao một số dịch vụ công phù hợp cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đảm nhận.
Mở rộng mối quan hệ liên kết với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp để tăng thêm điều kiện và nguồn lực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của hội.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các hội ngành toàn quốc với các hội nghề nghiệp quốc tế trong các hoạt động chuyên môn, chú trọng quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.
Hoàng Giang
Link nội dung: https://vsta.org.vn/phat-huy-suc-sang-tao-cua-doi-ngu-tri-thuc-khandcn-viet-nam-24225.html