Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ mục tiêu đổi mới, hội nhập và phát triển

Ngày 12/08/2024 tại Đà Nẵng, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phối hợp với Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia mã số KX.01/21-30, KX.06/21-30, KX.07/21-30 và Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học “Một số Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia phục vụ mục tiêu đổi mới, hội nhập và phát triển”.

Tiếp nối các Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp quốc gia qua nhiều giai đoạn, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt 17 Chương trình KH&CN cấp quốc gia, trong đó có 7 Chương trình khoa học xã hội và nhân văn thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, (các giai đoạn trước, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia được phê duyệt theo giai đoạn 5 năm).

Theo đó, Chương trình “Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, mã số KX.01/2021-2030; Chương trình “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mã số KX.06/21-30 và Chương trình “Đổi mới quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo”, mã số KX.07/21-30 là 3 trong số 7 Chương trình khoa học xã hội và nhân văn được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt năm 2022.

Kể từ khi 3 Chương trình được phê duyệt đến nay, qua 2 đợt kêu gọi đề xuất các Ban chủ nhiệm Chương trình và Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được gần 200 đề xuất từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước. Hiện nay, 3 Chương trình đang thực hiện tư vấn cho các đề xuất nộp năm 2024, thực hiện từ 2025, tuy nhiên, còn thiếu vắng các đề xuất của khu vực Đà Nẵng và Nam Trung Bộ.

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.06/21-30, đại diện 3 Chương trình phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chính vì vậy, trong phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.06/21-30, đại diện 3 Chương trình nhấn mạnh, Hội thảo ngoài mục đích nhằm cung cấp thông tin đầy đủ mục tiêu, nội dung của các Chương trình còn chia sẻ một số quy định mới của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như kinh nghiệm trong xây dựng thuyết minh, tổ chức triển khai nhiệm vụ cấp quốc gia và bàn luận một số vấn đề đổi mới, phát triển, hội nhập của Đà Nẵng và khu vực Nam Trung Bộ.

Ông Đào Ngọc Chiến - Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.

Được biết, để tổ chức thực hiện các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia có hiệu quả, Bộ KH&CN đã và đang xây dựng, ban hành mới hệ thống các văn bản quản lý trong tất cả các khâu như xác định nhiệm vụ, tuyển chọn đề tài, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu. Cụ thể: Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN. Các nhà khoa học tham dự Hội thảo hy vọng các quy định mới này sẽ có bước thay đổi lớn, giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, đơn giản hơn về thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho các nhà khoa học khi tham gia thực hiện đề tài.

Các đại biểu trao đổi tại Phiên thảo luận.

Hội thảo được chia làm 2 phiên: Phiên thứ nhất trao đổi về các vấn đề liên quan đến các Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến 2030; Phiên thứ 2 tập trung thảo luận một số vấn đề nghiên cứu trong khung 3 Chương trình gắn với Đà Nẵng và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

L.H

Link nội dung: https://vsta.org.vn/khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-phuc-vu-muc-tieu-doi-moi-hoi-nhap-va-phat-trien-24311.html