Sáng 22/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với các ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Tham dự phiên khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các địa phương. Đặc biệt, có hơn 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với hàng triệu kiều bào trên toàn thế giới theo dõi phiên khai mạc Hội nghị và Diễn đàn qua các nền tảng trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu xem hình ảnh về hoạt động của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới qua 3 lần tổ chức đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài. Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.
Với sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.
Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Diễn đàn sẽ là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo… Điểm đặc biệt, lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong bối cảnh thế giới ngày nay, dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), KH&CN đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc về bản chất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, các bài học kinh nghiệm thành công ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của KH&CN đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia. Mặt khác, những bài học kinh nghiệm thất bại, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy sự thất bại của chính sách KH&CN ở những nơi này.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Đối với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước ta đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của KH,CN&ĐMST, xem đây là “đột phá chiến lược” và là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời nhấn mạnh quan điểm “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số”, nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, như: công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường…
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tập trung vào 2 nội dung chính, đó là: xác định vai trò và sự đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; và xác định mục tiêu về phát triển tiềm lực và trình độ của KH,CN&ĐMST Việt Nam.
Đồng thời, Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào giải quyết những hạn chế, rào cản đã tồn tại thời gian dài, ảnh hưởng đến phát triển KH,CN&ĐMST ở nước ta, bao gồm: đổi mới cơ chế hoạt động KH,CN&ĐMST, trong đó tập trung sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN; xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia, phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia, liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao; chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.
Thu hút nguồn nhân lực KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để có thể thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của riêng ngành KH&CN, mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ sở đào tạo - nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm đối với công tác kiều bào ta ở nước ngoài tại nhiều văn bản quan trọng, dần tạo dựng môi trường, cơ chế trong nước thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy năng lực của mình đóng góp cho đất nước. Các văn bản này đều khẳng định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, chủ trương thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài dựa trên tiềm năng, năng lực, tính khả thi của nguồn lực, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ghi nhận và vinh danh đối với những đóng góp của kiều bào, hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất - nhập cảnh, visa, giấy phép lao động, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi thù lao khi tham gia các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học...; thu hút, khuyến khích chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành KH,CN&ĐMST, thời gian tới, Bộ KH&CN mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia đề xuất những giải pháp thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện việc chuyển đổi nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và tiến bộ KH,CN&ĐMST; dẫn dắt, kết nối đưa nền KH&CN trong nước hội nhập với thế giới.
Đồng thời, cung cấp kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển để cùng các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước thực hiện: xây dựng thể chế, cơ chế chính sách KH,CN&ĐMST phù hợp với thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KH,CN&ĐMST; xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tăng cường đóng góp của KH,CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình - mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST.
“Những nội dung này đang được Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm trong quá trình tham khảo kinh nghiệm xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống ĐMST quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Bộ trưởng mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài cho KH,CN&ĐMST; tham gia đào tạo nhân lực, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động cho đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia trong nước, trong đó quan tâm một số lĩnh vực như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Cùng với đó, đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài tham mưu cho hoạt động quản lý nhà nước về ĐMST phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tiến tới tự chủ công nghệ, từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước; cung cấp sáng kiến trong ứng dụng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hoá kết quả nghiên cứu KH&CN; hỗ trợ tìm các giải pháp KH&CN để xử lý những khó khăn, thách thức về công nghệ mà trong nước đang gặp phải; hỗ trợ Việt Nam hình thành và triển khai một số chương trình KH&CN trọng điểm, có tầm vóc nhằm phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST để thực hiện các đột phá chiến lược của đất nước; đồng thời đóng vai trò chủ trì, dẫn dắt, tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia.
Trong thời gian tới, với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách đột phá nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay và đóng góp của đội ngũ trí thức và chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới, KH,CN&ĐMST chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/dan-dat-ket-noi-dua-nen-khandcn-trong-nuoc-hoi-nhap-voi-the-gioi-24347.html