Ứng dụng KH&CN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, Công ty có 17 đơn vị thành viên, là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN và đầu tư phát triển mở rộng kinh doanh. Các nhà máy được đầu tư, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa với quy trình sản xuất khép kín đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và thân thiện với môi trường như Nhà máy Đường An Khê với dây chuyền sản xuất đường từ mía công suất 18.000-20.000 tấn mía/ngày, hệ thống sản xuất đường tinh luyện công suất 1.000 tấn/ngày; Nhà máy điện sinh khối An Khê công suất phát điện 95 MW, phát điện lên hệ thống điện lưới quốc gia trên đường dây 220 KV; Nhà máy bia Dung Quất công suất 100 triệu lít/năm; 3 Nhà máy sản xuất sữa đậu nành Vinasoy tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh và Bình Dương với công suất 390 triệu lít/năm. Thương hiệu Vinasoy nằm trong Top 5 Nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang tham quan phòng thí nghiệm của Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy.
Bên cạnh các Nhà máy chế biến, Công ty đã đầu tư các Trung tâm nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu giống mía, giống đậu nành qui mô lớn, trang bị hiện đại đạt tầm vóc quốc tế như: Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giống mía Gia Lai... Các Trung tâm đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chọn lọc, tạo giống mới; quy trình canh tác (mía, đậu nành); phát triển các vùng nguyên liệu đậu nành và mía.
Đạt được những thành tựu trên là kết quả của quá trình nghiên cứu nắm bắt những công nghệ mới, kịp thời ứng phó với những biến động, thách thức của môi trường kinh doanh, không ngừng gia tăng năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Quá trình đầu tư tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Đầu tư thị trường và phát triển thương hiệu; Đầu tư nguồn nhân lực và môi trường làm việc sáng tạo; đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Doanh nghiệp kiến nghị một số vấn đề liên quan đến sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN cho hoạt động đầu tư mua bán thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh; quy định cụ thể về đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp không có vốn nhà nước...
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Đường Quảng Ngãi. Đây là một trong số các doanh nghiệp đã thành lập trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất, kinh doanh để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong đó tập trung đầu tư, nghiên cứu ứng dụng KH&CN để phát triển sản xuất, kinh doanh. Quảng Ngãi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh mở rộng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tập trung cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Đường Quảng Ngãi cũng như nỗ lực và thành tích của công ty trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực trong tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vị trí trụ cột, trung tâm của hệ thống ĐMST và mong rằng công ty tiếp tục thúc đẩy, phát huy mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Với những khó khăn, vướng mắc của công ty, Bộ KH&CN ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu, đồng hành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, góp phần nâng cao vị thế, chất lượng, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận buổi làm việc.
Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học
Tại trường Đại học Phạm Văn Đồng, Hiệu trưởng Trần Đình Thám cho biết, Trường hiện đang triển khai đào tạo 14 ngành với gần 5.000 sinh viên, học viên theo các loại hình đào tạo. Hằng năm, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cung cấp cho thị trường lao động từ 700 - 1.000 cử nhân, kỹ sư có năng lực, đáp ứng tốt nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động.
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn được nhà trường coi trọng và đẩy mạnh. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2019-2024) đã có 89 đề tài NCKH được triển khai, trong đó có 70 đề tài cấp trường, 17 đề tài cấp cơ sở, 02 đề tài cấp tỉnh, 01 đề tài Nafosted. Cán bộ giáo viên của trường đã công bố 235 công trình khoa học, trong đó có 158 công bố trong nước và 77 công bố quốc tế. Các sản phẩm NCKH của nhà trường có chất lượng tốt, đã tham gia và đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi về NCKH tại địa phương và toàn quốc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Nhà trường hiện có 2 nhóm NCKH đang triển khai hoạt động có hiệu quả gồm Nhóm nghiên cứu Robot và Tự động hóa, Nhóm nghiên cứu Hóa - Sinh - Môi trường. Trong những năm qua, các nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều đề tài NCKH có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Các đề tài NCKH đã triển khai chủ yếu phục vụ vào mục đích góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và mang tính phục vụ cộng đồng trong tỉnh, do đó chưa có khả năng thương mại hóa và chuyển giao công nghệ đối với sản phẩm nghiên cứu.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - Quan hệ doanh nghiệp và Khởi nghiệp; thành lập Ban chuyên trách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, bố trí kinh phí và đưa nội dung khởi nghiệp vào kế hoạch năm học hằng năm. Trong 5 năm qua, đã có 30 dự án khởi nghiệp của sinh viên tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng kiến nghị Bộ KH&CN, UBND tỉnh quan tâm sử dụng cơ chế đặc thù trong việc mở một số ngành đào tạo trường chưa có; hỗ trợ cơ chế trong việc thu hút đội ngũ giảng viên có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư và Giáo sư về làm việc tại trường. Hỗ trợ trường triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và các vùng lân cận…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận những nỗ lực của Trường ĐH Phạm Văn Đồng trong các công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. UBND tỉnh sẽ sớm có buổi làm việc trực tiếp với trường để giải quyết các vấn đề Trường đề xuất như đầu tư cơ sở vật chất và lộ trình tự chủ tài chính, nhằm tháo gỡ những khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nhà trường. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã gợi mở một số hướng phát triển trường nghiên cứu triển khai thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh trao bảng tượng trưng tặng quà cho Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang và Đoàn công tác, Lãnh đạo và cán bộ Trường Đại học Phạm Văn Đồng chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt biểu dương những thành tích đạt được của Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Để nâng cao vị thế và trở thành trường đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo nhà trường tiếp tục quan tâm đến công tác tuyển sinh, tranh thủ các nguồn xã hội hóa và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao chất lượng giảng viên và năng lực nghiên cứu; tập trung nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng và đóng góp tri thức thông qua công bố quốc tế; tiếp tục phối hợp với các trường đại học trong cả nước, kết nối hợp tác phát triển; đồng thời thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang và Đoàn công tác, Lãnh đạo và cán bộ Công ty CP Đường Quảng Ngãi chụp ảnh lưu niệm.
Link nội dung: https://vsta.org.vn/doan-cong-tac-cua-bo-khandcn-tham-va-lam-viec-tai-mot-so-doanh-nghiep-don-vi-tinh-quang-ngai-24376.html