Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ luôn đồng hành cùng Thừa Thiên Huế và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động để gia tăng hơn nữa đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước.

Từ ngày 12/9-13/9/2024, tại Thừa Thiên Huế, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung năm 2024 với chủ đề “Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững”.

Nghi thức khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm 2024. 

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong kết nối và thúc đẩy liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cũng như cả nước nói chung. Đồng thời, sự kiện thể hiện mục tiêu, quyết tâm của Thừa Thiên Huế nhằm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm KH&CN lớn của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị, là dịp để tham vấn cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ, trao đổi, thảo luận, đặt ra những vấn đề ưu tiên trong giải quyết các “bài toán” phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; kết nối, thu hút nguồn lực, các tổng công ty, tập đoàn lớn tham gia đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế - xã hội địa phương trong vùng; tạo động lực, kết nối và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, thời gian qua Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và tiếp cận thị trường toàn cầu. Cùng với đó, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển năng động, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái; văn hóa, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo được lan tỏa mạnh mẽ.

Thứ trưởng Hoàng Minh chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tiễn triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách về KH,CN&ĐMST, đặc biệt là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu cũng như trong thực thi các chính sách, pháp luật.  Sự liên kết, hợp tác trong vùng chưa chặt chẽ, việc thu hút các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đầu tư, tài chính, chuyên gia, công nghệ từ các vùng khác trong nước và từ nước ngoài còn hạn chế, sự tham gia của khu vực, viện nghiên cứu, trường đại học với hệ sinh thái khởi nghiệp chưa đủ sâu rộng, hợp tác quốc tế chưa khai thác được thế mạnh của vùng; nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển nhưng quy mô của hoạt động còn khiêm tốn… Thứ trưởng đề nghị, các địa phương trong vùng tăng cường liên kết với các sáng kiến, hoạt động gắn chặt với định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tạo thuận lợi chuyển dịch các nguồn lực, khai thác lợi thế bản địa ở từng địa phương cho KH,CN&ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Bộ KH&CN cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Thừa Thiên Huế và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động để gia tăng hơn nữa đóng góp của KH,CN&ĐMST nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Ngày hội. 

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất cho biết, mỗi tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đều có lợi thế riêng, vì vậy cần liên kết để xây dựng chiến lược, chương trình hành động, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có; trong đó, cần chú trọng lựa chọn các hạt nhân để làm đầu mối; hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo có sự tham gia của khu vực công và tư, khu vực doanh nghiệp, viện, trường. Các tỉnh, thành phố cần tiếp nhận những chương trình đào tạo quốc tế, các nguồn thông tin công nghệ, mạng lưới đầu tư trở thành những tổ hợp kết nối nguồn lực của các địa phương và hướng đến hình thành mạng lưới các tổ hợp phát triển vùng. Bên cạnh đó, việc liên kết nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo không chỉ trong vùng mà cần liên kết ở phạm vi quốc gia và quốc tế, hướng đến phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế Hồ Thắng, để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, việc liên kết vùng hết sức quan trọng. Các địa phương cần định vị tiềm năng, lợi thế để ưu tiên phát triển, xây dựng định hướng phát triển phù hợp, đồng thời cần có những chính sách rộng mở hơn để thu hút nguồn lực ở nhiều phía.

Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã có những điểm nổi bật, với nhiều kết quả ấn tượng... Các sự kiện, cuộc thi, chương trình như Techfest địa phương, vùng, quốc gia cũng đã được tổ chức thường xuyên trên địa bàn. Nhiều chương trình đào tạo, liên kết, hợp tác với cộng đồng trong nước và quốc tế được triển khai; công tác xây dựng cơ chế, chính sách luôn được quan tâm; nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, du lịch, xe tự hành... đã có những bước tăng trưởng mạnh, kết nối được với thị trường toàn quốc và thị trường nước ngoài.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững tại Ngày hội.

Ngày hội gồm các hoạt động như: Hội thảo “Tham vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo”, Tọa đàm Trao đổi chính sách và Kết nối đầu tư, Diễn đàn “Kết nối nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung”, Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, triển lãm giới thiệu thiết bị công nghệ và sản phẩm KH,CN&ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo…

Hiện nay, Việt Nam ước tính có khoảng gần 4000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó đã có những doanh nghiệp kỳ lân đạt trị giá trên 1 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Các quỹ đầu tư, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo để kết nối nguồn lực của các địa phương, vùng và quốc gia. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai trung tâm khởi nghiệp sáng tạo sôi động nhất cả nước, lọt vào top 200, và gần đây là TP. Đà Nẵng đã lọt vào top 1000 các thành phố trên toàn cầu về khởi nghiệp sáng tạo.

Link nội dung: https://vsta.org.vn/lien-ket-vung-thuc-day-khoi-nghiep-sang-tao-phat-trien-ben-vung-24415.html