Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính liên vùng

Hiện nay, các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc chưa hình thành được các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng.

Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính liên vùng- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội nghị giao ban KHCN vùng Trung du và miền núi phía Bắc năm 2024 - Ảnh: VGP/HG

Ngày 10/10, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị giao ban KHCN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX năm 2024.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương trong vùng cho thấy, giai đoạn 2022-2024, có 86 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 636,1 tỷ đồng được triển khai thực hiện tại 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Các nhiệm vụ chủ yếu được hỗ trợ thông qua Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và nhiệm vụ cấp thiết địa phương.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị, qua đó giúp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương như: Phát triển giống cây trồng, vật nuôi với thích ứng với với biến đổi khí hậu, các vấn đề về địa chất, thổ nhưỡng, chống sạt lở, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đã triển khai mở mới 494 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh. Trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất 42,7%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vùng trung du và miền núi phía Bắc là một trong những khó khăn nhất của cả nước với số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số, nguồn lực yếu dẫn đến hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhất là các công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam còn rất hạn chế.

Hầu hết các tỉnh trong vùng chưa tự cân đối được ngân sách dẫn đến kinh phí dành cho KHCN và đổi mới sáng tạo mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội (xã hội hóa) đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN có quy mô lớn và đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KHCN.

Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong nội vùng và ngoại vùng để cùng giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ KHCN quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng; phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, đặc trưng của vùng hướng tới sản phẩm mang thương hiệu quốc gia còn rất hạn chế.

Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính liên vùng- Ảnh 2.

Hội nghị giao ban KHCN vùng Trung du và miền núi phía Bắc năm 2024 - Ảnh: VGP/HG

Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy bày tỏ mong muốn tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo để phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống người dân của Cao Bằng với các tỉnh trong khu vực.

Theo ông Trịnh Trường Huy, thời gian qua, thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Nhiều dự án KHCN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được triển khai và phát huy hiệu quả, gắn với thực tiễn, có tính cấp thiết, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai 55 nhiệm vụ KHCN trên các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học y, dược. Năm 2024, tỉnh đề xuất với Bộ KH&CN thực hiện 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 01 dự án thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030.

Tuy nhiên, số lượng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn hạn chế; có rất ít cán bộ khoa học đầu ngành, nhà quản lý giỏi tham mưu tư vấn cho tỉnh về chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng KHCN. Kinh phí đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo còn hạn hẹp, hiệu quả chưa cao...

Lắng nghe ý kiến của các đại phương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, KHCN và đổi mới sáng tạo của vùng nói chung và các địa phương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa.

Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị các Sở KH&CN trong vùng cần tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN địa phương, tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho KHCN.

TIN LIÊN QUAN

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN tại địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho phát triển KHCN.

Đồng thời chú trọng việc đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ có tính liên tỉnh, liên vùng để giải quyết các vấn đề cấp thiết, phát sinh liên tỉnh, liên vùng nhằm tạo động lực, giải pháp phát triển toàn vùng. Xác định rõ những công nghệ trọng điểm, công nghệ cao cần ưu tiên đầu tư phát triển, phù hợp với điều kiện và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN. Tiếp tục triển khai và nghiên cứu giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

Hoàng Giang

Link nội dung: https://vsta.org.vn/de-xuat-dat-hang-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-cong-nghe-co-tinh-lien-vung-24499.html