Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn kiểm tra việc nghiên cứu trồng cây sau sau tại huyện Ngân Sơn. (Ảnh NGUYỄN HÙNG) |
Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đầu tư kinh phí để Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất thâm canh dược liệu theo chuỗi giá trị sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm từ dược liệu hoài sơn, địa hoàng (còn gọi là củ mài).
Sau hơn hai năm thực hiện, dự án đã hoàn thành các nội dung theo thuyết minh được phê duyệt; xây dựng được mô hình trồng tại huyện Chợ Đồn; nghiên cứu và sản xuất hai sản phẩm từ củ hoài sơn (bột củ mài núi và củ mài thái lát), một sản phẩm từ củ địa hoàng (củ địa hoàng sấy khô). Sản phẩm bột củ mài núi và củ mài thái lát đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh… Hội đồng nghiệm thu của tỉnh đã đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện dự án này ở mức đạt yêu cầu.
Dự án này chỉ ở mức đạt yêu cầu vì rất khó nhân rộng trong thực tiễn. Đặc tính của cây củ mài là ăn rất sâu vào lòng đất, khi đưa xuống trồng ở đất mềm, củ nằm sâu dưới đất, không thể khai thác thủ công. Dự án đã phải thuê cả máy xúc để đào đất ruộng lên mới khai thác được, gây ảnh hưởng tới đất canh tác của người dân.
Tình trạng dự án nghiên cứu không sát thực tiễn, không phù hợp với nhu cầu dẫn tới khó hoặc không thể nhân rộng không hiếm ở Bắc Kạn. Từ năm 2020 đến 2024, Bắc Kạn triển khai dự án nghiên cứu và phát triển cây đào toáng tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn.
Dự án thực hiện cải tạo 40 cây đào toáng hiện có tại địa phương cho quả đồng đều, năng suất tăng 5 đến 10%; bình tuyển 5-10 cây đầu dòng để lấy cành ghép nhân giống; nhân giống và xây dựng mô hình trồng mới cây đào toáng 3 ha; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào toáng cho 30 lượt người dân địa phương. Tuy nhiên, dự án này lại chỉ đặt mục tiêu về tỷ lệ cây sống sau trồng mới là 85% chứ không có mục tiêu về cây ra quả. Điều này dẫn tới việc khó xác định được dự án trên thực tế có hiệu quả hay không.
Còn xảy ra tình trạng một nội dung đề tài lặp đi lặp lại. Một nội dung đã được nghiên cứu, nghiệm thu, ứng dụng rồi vẫn được tiếp tục đầu tư để nghiên cứu lại trong những năm sau và kết quả vẫn không có thêm nhiều cái mới.
Điển hình là nội dung nghiên cứu về chăn nuôi lợn. Bắc Kạn đã đầu tư cho nghiên cứu, thực hiện hàng loạt đề tài na ná nhau, như: Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn địa phương theo hình thức bán hoang dã tại huyện Pác Nặm; Dự án mở rộng mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương tại tỉnh Bắc Kạn; Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn địa phương theo hình thức bán hoang dã quy mô nông hộ tại thị xã Bắc Kạn… Điều này dẫn tới lãng phí nguồn lực vì về cơ bản chăn nuôi lợn bán hoang dã ở địa phương nào của Bắc Kạn cũng giống nhau, không cần thiết phải mỗi huyện triển khai một đề tài như vậy.
Trung bình mỗi năm, Bắc Kạn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng dành cho nghiên cứu thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Từ năm 2017 tới 2024, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất, đặt hàng 508 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh.
Toàn tỉnh có 77 đề tài, dự án được triển khai, gồm 6 đề tài, dự án cấp quốc gia, 71 đề tài, dự án cấp tỉnh (trong đó có 60 đề tài, dự án được phê duyệt và thực hiện trong giai đoạn; 11 đề tài, dự án chuyển tiếp trước năm 2017 sang).
Tính đến tháng 7/2024, có 2 đề tài, dự án cấp quốc gia đã hoàn thành, 4 đề tài, dự án đang triển khai; có 49 đề tài, dự án cấp tỉnh đã hoàn thành, 17 đề tài, dự án đang triển khai, 5 đề tài, dự án dừng thực hiện, chấm dứt hợp đồng. Có 51 đề tài, dự án đã nghiệm thu, trong đó: 49 đề tài, dự án cấp tỉnh được nghiệm thu xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên; 5 đề tài, dự án xếp loại xuất sắc; 26 đề tài, dự án chưa nghiệm thu.
Theo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, các đề tài, dự án chủ yếu do các vụ, viện, trường, trung tâm nghiên cứu ngoài tỉnh đề xuất, đặt hàng, dự án do địa phương đề xuất, đặt hàng còn ít. Một số dự án chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, cơ sở.
Đáng chú ý, việc đánh giá hiệu quả ứng dụng, nhân rộng kết quả đề tài, dự án khoa học cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, trong tổng số 49 đề tài, dự án đã nghiệm thu, chuyển giao cho các đơn vị, địa phương, có 30 đề tài, dự án nhân rộng và nhân rộng tốt (chiếm 61,2%); 16 đề tài, dự án duy trì (chiếm 32,7%); 3 đề tài, dự án không duy trì (chiếm 6,1%).
Tuy nhiên, kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh lại cho thấy, có những dự án Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá là nhân rộng tốt thì thực tế không nhân rộng. Sở đánh giá chỉ có 3 đề tài, dự án không duy trì nhưng thực tế con số này là 7 đề tài, dự án.
Nhiều dự án, sau nghiên cứu, nghiệm thu không được duy trì, nhân rộng, như: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thử nghiệm cá chày; Xây dựng mô hình trồng thuốc lá vụ thu-đông trên địa bàn huyện Chợ Mới; Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP…
Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, việc xét duyệt các đề tài, dự án hằng năm còn chậm, dẫn đến một số nhiệm vụ không triển khai được ngay từ đầu năm mà phải đến giữa năm mới thực hiện. Việc lựa chọn một số mô hình trồng thử nghiệm cây ăn quả chưa phù hợp trong thực tiễn.
Quy định thời gian thực hiện ngắn, chỉ nghiệm thu tỷ lệ cây sống, cây ra hoa mà không quy định nghiệm thu cây cho quả đạt năng suất và giá trị, dẫn đến chưa thể khẳng định được tính hiệu quả, tính thực tiễn của các đề tài, dự án. Sau khi dự án được nghiệm thu, có chuyển giao mô hình cho người dân và địa phương chăm sóc nhưng không có đánh giá kết quả cuối cùng là cây có phát triển, cho quả năng suất và giá trị hay không để khuyến khích nhân rộng hoặc khuyến cáo nếu không phù hợp thực tiễn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là do các địa phương chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc xét duyệt đề tài chưa sát với nhu cầu thực tiễn trong khi chưa quy định tiêu chí đánh giá, xác định, xếp loại hiệu quả đề tài, dự án khi ứng dụng. Hầu hết các địa phương chưa bố trí kinh phí hoặc lồng ghép các nguồn vốn khác để triển khai ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn.
Một nguyên nhân khác là việc người dân phải đối ứng 30% kinh phí dẫn tới không muốn tham gia vào thực hiện các đề tài, dự án. Phần lớn các hộ dân khi tham gia không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được đề tài, dự án hướng dẫn…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn Nguyễn Đình Điệp cho biết, khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu tỉnh định hướng việc đề xuất, đặt hàng, lựa chọn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sát với điều kiện thực tế. Các sở, ngành tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chủ trì nghiên cứu để điều tra, khảo sát và đề xuất đặt hàng. Từ năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn. Trong đó, nội dung cốt lõi được nhấn mạnh là khi lựa chọn nội dung để đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết của địa phương và chịu trách nhiệm về tính cấp thiết cần đề xuất. Đây là quan điểm chỉ đạo phù hợp cần được các ngành, địa phương tại Bắc Kạn thực hiện nghiêm túc để bảo đảm không tái diễn tình trạng lãng phí kinh phí đầu tư khi thực hiện các đề tài, dự án như thời gian qua.
TUẤN SƠN
Link nội dung: https://vsta.org.vn/khac-phuc-tinh-trang-lang-phi-nguon-luc-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-24545.html