Mở ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được phê duyệt thực hiện với mục tiêu tận dụng thế mạnh của công nghệ chuỗi khối, phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Với quan điểm, công nghệ chuỗi khối là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; duy trì kiểm soát các rủi ro và thường xuyên cải biến công nghệ chuỗi khối; tận dụng thế mạnh công nghệ và xu hướng phát triển công nghệ chuỗi khối (như công nghệ vũ trụ số, công nghệ Web 3.0 để tạo ra không gian trải nghiệm mới, khơi gợi các mô hình kinh doanh mới cũng như cách thức mới để thực hiện phát triển và quảng bá văn hóa số); thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện nhờ các đặc tính kỹ thuật cốt lõi khác biệt là phi tập trung, bảo đảm tính toàn vẹn và an toàn dữ liệu; hướng tới nền kinh tế số, xã hội số..., Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng công nghệ chuỗi khối đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024).

Quyết định số 1236/QĐ-TTg có tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát: tận dụng thế mạnh của công nghệ chuỗi khối, phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hoàn thiện dần các quy định, hành lang pháp lý, tạo lập môi trường cạnh tranh, hình thành nên hệ sinh thái các doanh nghiệp có năng lực vươn ra toàn cầu; đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới trong ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối, Quyết định số 1236/QĐ-TTg đã đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

Giai đoạn đến năm 2025: Hình thành hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phục vụ các hoạt động phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì các ứng dụng chuỗi khối; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại 03 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng và nâng cấp được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ chuỗi khối; hình thành hệ sinh thái “Blockchain+” thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp…

Giai đoạn đến năm 2030: Củng cố và mở rộng hạ tầng chuỗi khối quốc gia cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước; ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam; xây dựng được 20 thương hiệu Blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 03 trung tâm/đặc khu thử nghiệm về công nghệ chuỗi khối tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia chuỗi khối…

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Chiến lược sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối. Theo đó, thực hiện rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành so với các giải pháp, ứng dụng chuỗi khối; nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ chuỗi khối đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ chuỗi khối…

Hai là, phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp chuỗi khối. Cụ thể: xây dựng, phát triển hạ tầng chuỗi khối Việt Nam đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân đáp ứng mục tiêu, thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam; phát triển các nền tảng chuỗi khối Make in Việt Nam; phát triển công nghiệp chuỗi khối gắn với chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số tạo động lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thúc đẩy phát triển và ứng dụng các sản phẩm dịch vụ tích hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối…

Ba là, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực chuỗi khối. Theo đó, Chiến lược ưu tiên thúc đẩy các cơ sở giáo dục đào tạo tăng cường tổ chức cung cấp các nền tảng học trực tuyến mở MOOC (Massive Open Online Course) về công nghệ chuỗi khối; triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhóm nhân tài lãnh đạo và dẫn dắt đổi mới cấp cao, nhất là trong các ngành, lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của công nghệ chuỗi khối như lĩnh vực tài chính và khởi nghiệp công nghệ tài chính (FinTech)…

Bên cạnh đó, Chiến lược còn ưu tiên thúc đẩy ứng dụng và phát triển thị trường; thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuỗi khối. Cụ thể: thúc đẩy ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, nghiên cứu khả năng ứng dụng chuỗi khối trong xây dựng hạ tầng thông minh, đồng thời nâng cao mức độ thông minh và hiệu quả của các hoạt động quản lý đô thị; lồng ghép ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào các chương trình, chiến lược quốc gia phát triển chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; chương trình về khoa học và công nghệ, các chương trình phát triển thương mại điện tử…

Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, công bố các tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm, công nghệ, dịch vụ liên quan đến chuỗi khối; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định, cơ chế ưu tiên cho các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và cơ chế ưu đãi cho các chuyên gia, cán bộ, nhân viên làm việc tại các trung tâm đổi mới sáng tạo này.

Công Thường

Link nội dung: https://vsta.org.vn/mo-ra-khong-gian-phat-trien-moi-cho-nganh-cong-nghiep-cong-nghe-so-va-thuc-day-doi-moi-sang-tao-24555.html