Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội nghị.
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức thường niên trong khuôn khổ chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với 2 Viện Hàn lâm và 2 Đại học Quốc gia. Hội nghị nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận về những vấn đề cốt lõi, nổi cộm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; làm rõ những bất cập, rào cản trong các quy định hiện hành; trao đổi về các cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ theo thông lệ quốc tế và nhiều vấn đề khác liên quan đến thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của các bên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ xây dựng báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 2

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất hiện nay. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng các chủ trương, đường lối, cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định pháp luật nhằm phát triển, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn: Một số chính sách, quy định còn chậm được cụ thể hóa hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ chưa thống nhất, đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn;

Nguồn lực đầu tư chưa thực sự tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước;

Chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám” trong khu vực công;

Quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ vẫn còn nhiều “rào cản”; quy định về đầu tư cho khoa học, công nghệ còn nhiều điểm chưa hợp lý gây cản trở sự phát triển của thị trường khoa học, công nghệ. Thể chế về khoa học, công nghệ còn bộc lộ nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 3

Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Hội nghị đã nghe 5 tham luận: Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ công lập ở Trung ương (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ);

Hoàn thiện pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam);

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam);

Đề xuất cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ theo thông lệ quốc tế (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thăng, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh);

Cơ chế, giải pháp đột phá đối với Đại học Quốc gia Hà Nội để thực hiện các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Các tham luận tập trung đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tình hình mới trước thềm Đại hội XIV của Đảng. Hội nghị cũng có 7 ý kiến thảo luận đề xuất tháo gỡ “điểm nghẽn” cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 4

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là 1 trong 3 đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là 1 trong 3 đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Đây là yếu tố thuận lợi trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đồng thời cũng là nhiệm vụ lớn phải hoàn thành đối với các bộ, ngành nói chung.

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai xây dựng 4 dự án luật, hồ sơ đề nghị xây dựng luật (bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử), những nhiệm vụ trọng tâm này được thực hiện trong thời gian dài với trình tự, thủ tục gồm nhiều bước, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thông qua, các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội nghị, để hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong triển khai, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ theo định hướng tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đặc biệt là cơ chế, chính sách có liên quan đến các vấn đề trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Net Zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo…

Tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ, tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, mở rộng hội nhập quốc tế trong hoạt động nghiên cứu để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Việt Nam, tạo ra môi trường nghiên cứu sôi động, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện các cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại hội nghị, bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

NINH CƠ

Link nội dung: https://vsta.org.vn/hoan-thien-the-che-thuc-day-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-24596.html