Thúc đẩy khoa học địa lý nhân văn, góp phần phát triển bền vững

Ngày 12/12, Viện Địa lý Nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập (1979-2024) và Hội thảo "Khoa học địa lý nhân văn trong thực hiện các chính sách phát triển ở Việt Nam".

Thúc đẩy khoa học địa lý nhân văn, góp phần phát triển bền vững- Ảnh 1.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trao tặng Bằng khen cho Viện Địa lý nhân văn - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và mở rộng nhiệm vụ, địa lý nhân văn luôn được xác định là lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm trong khoa học xã hội và nhân văn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. 

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Viện luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, trọng tâm. Các công trình nghiên cứu đã góp phần khẳng định vai trò của tiếp cận khoa học địa lý trong giải quyết các vấn đề phát triển lãnh thổ phù hợp với từng bối cảnh, yêu cầu phát triển đất nước.

Chỉ tính riêng trong 15 năm (2009-2024), Viện đã và đang chủ trì và tổ chức thực hiện 7 đề tài khoa học cấp nhà nước, 1 đề tài thuộc chương trình trọng điểm cấp bộ, 36 đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp bộ, 21 nhiệm vụ thuộc nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường, 3 đề tài địa phương và 2 dự án hợp tác quốc tế cùng nhiều đề tài cấp viện.

Từ kết quả nghiên cứu, các viên chức của Viện đã có nhiều xuất bản phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, đóng góp thiết thực cho nghiên cứu khoa học, cho quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững của đất nước, của các vùng và địa phương.

Đến nay, một số công trình vẫn có giá trị khoa học và thực tiễn, trở thành cẩm nang cho công tác quy hoạch và tổ chức phát triển kinh tế - xã hội theo lãnh thổ, cũng như giảng dạy và đào tạo về khoa học địa lý nói chung và địa lý nhân văn nói riêng...

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Viện Địa lý nhân văn, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Viện Địa lý nhân văn đã thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa lý nhân văn.

Tuy nhiên, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành khoa học và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có Viện Địa lý Nhân văn ngày càng nặng nề hơn với nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. 

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội và cũng là thách thức để Viện Địa lý Nhân văn tiếp tục khẳng định vị thế của mình, tạo chuyển biến căn bản trong nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

TS. Phan Chí Hiếu đề nghị Viện Địa lý nhân văn tiếp tục phát huy, khẳng định hơn nữa vị thế, vai trò là viện nghiên cứu đầu ngành về khoa học địa lý nhân văn trong cả nước, là một trong các cơ quan nghiên cứu có uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học lớn, có tính ứng dụng cao; định hình các hướng nghiên cứu mũi nhọn để kịp thời tham mưu, cung cấp những luận cứ khoa học trong hoạch định đường lối, chiến lược của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đồng thời chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ tâm huyết với nghề, có năng lực nghiên cứu và phẩm chất đạo đức tốt...

Hoàng Giang

Link nội dung: https://vsta.org.vn/thuc-day-khoa-hoc-dia-ly-nhan-van-gop-phan-phat-trien-ben-vung-24674.html