Trong bài báo phân tích dựa trên kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Cơ quan của Liên Hợp Quốc về sở hữu trí tuệ WIPO công bố, CNN đã có những so sánh và đánh giá về các quốc gia. Xếp hạng thứ 44, Việt Nam được nhắc tới là quốc gia "tương đối nghèo" nhưng lại có thứ hạng trên bảng xếp hạng cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người.
"Đây cũng là quốc gia có thành tích xuất nhập khẩu công nghệ cao và tăng trưởng năng suất lao động tốt. Nơi đây có lực lượng lao động lành nghề thu hút được đầu tư nước ngoài. Cơ sở hạ tầng của quốc gia này không ngừng phát triển", theo CNN.
WIPO xếp hạng các quốc gia đổi mới sáng tạo thông qua nhiều thước đo, trong đó có các ấn phẩm khoa học, xuất khẩu công nghệ cao và chi nghiên cứu và phát triển (R&D) theo phần trăm GDP. Theo đó vị trí đổi mới sáng tạo nhất thế giới không phải là Mỹ mà là Thụy Sĩ. Họ được xếp hạng đứng đầu vì có số lượng đơn đăng ký sáng chế cao so với GDP. Thụy Sĩ có những trường đại học hàng đầu và có mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển. Không giống như Mỹ, Thụy Sĩ có mức nợ công thấp. Chính phủ nước này chi tiêu tiền cẩn thận hơn, nhưng vẫn có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn dân chất lượng cao. Nơi đây có cơ sở hạ tầng vững chắc và nền kinh tế đa dạng.
Trong bài phân tích của CNN, Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng có kết quả đổi mới sáng tạo ấn tượng và đầy khích lệ. Việt Nam xếp hạng 44 với các thế mạnh như đã chỉ ra ở trên, còn Ấn Độ xếp hạng 39 nhờ thành tích xuất khẩu hàng đầu về dịch vụ công nghệ thông tin. Ấn Độ có nhiều trung tâm công nghệ, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư mạo hiểm.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm. "Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Bộ trưởng nói.
WIPO cũng đánh giá Việt Nam là một trong bốn quốc gia đã áp dụng GII trong xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) với những thành công khi đưa vào một trụ cột về tác động trong đo lường về đổi mới sáng tạo.
Chỉ số PII được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai toàn quốc từ năm 2023, trong đó cũng ghi nhận nhiều địa phương có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức thu nhập. Trong số này có Long An, Phú Thọ, Ninh Thuận là 3 địa phương có bình quân đầu người ở mức trung bình của cả nước nhưng thuộc nhóm 21 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PII năm 2023.
Long An có tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng cao trong cơ cấu kinh tế (chiếm 52,33%). Đây là địa phương cửa ngõ phía Tây của TP HCM, có công nghiệp phát triển, có gần 40 khu công nghiệp trên địa phương với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hấp thu tri thức, liên kết trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính vì thế, trong PII 2023, Long An xếp hạng 12, dẫn đầu trụ cột Trình độ phát triển của doanh nghiệp nhờ nhóm chỉ số về Hấp thu tri thức.
Phú Thọ xếp hạng 20 trong PII 2023 và thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng của Phú Thọ có tỷ trọng là 39,7%, tương đương với khu vực dịch vụ. Trong PII 2023, Phú Thọ có kết quả cao ở các chỉ số hạ tầng số, đầu tư trực tiếp nước ngoài; giá trị xuất khẩu; tỷ lệ doanh nghiệp có chứng chỉ ISO; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo.
Ninh Thuận xếp hạng 21 về chỉ số PII năm 2023, thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền trung trong khi thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình. Năm 2023, Ninh Thuận thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP với tỷ trọng đóng góp chính đến từ lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo như điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi. Địa phương có chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm khắc phục hạn chế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Trong PII 2023, Ninh Thuận có kết quả khá tốt ở về chi phí gia nhập thị trường; chi cho R&D/GRDP và sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ. Địa phương này có kết quả tốt về số lượng đơn đăng ký giống cây trồng/10.000 dân và chỉ dẫn địa lý được cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, dự kiến công bố chiều 30/12.
PII (Provincial Innovation Index) là chỉ số duy nhất đánh giá tổng thể, đầy đủ về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì xây dựng hàng năm từ năm 2023. Chỉ số PII sẽ cung cấp căn cứ để lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đưa ra các chủ trương, quyết sách nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Thông tin bảng xếp hạng PII 2024 tại đây
Mai Phương
Link nội dung: https://vsta.org.vn/viet-nam-la-mot-trong-so-quoc-gia-doi-moi-sang-tao-nhat-the-gioi-24710.html