Gỡ vướng thể chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ

Chính phủ yêu cầu khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ.

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, tạo đột phá trong tư duy và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Việc này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xây dựng quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số và công cụ số để đo lường trực tuyến hiệu quả công việc. Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, miễn phí cho người dân và doanh nghiệp nhằm phổ biến kiến thức về công nghệ, kỹ năng số.

Bên cạnh đó, cần phát động phong trào thi đua trên toàn quốc để huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực trong công cuộc chuyển đổi số.

Thứ 2, khẩn trương hoàn thiện thể chế, loại bỏ những tư tưởng, rào cản kìm hãm sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các bộ, ngành và địa phương cần rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Việc xây dựng các cơ chế đặc thù về đầu tư, mua sắm công và sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ cũng được đặt ra nhằm chấp nhận rủi ro, thúc đẩy đầu tư mạo hiểm và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ số, bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý.

Thứ 3, tăng cường đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Chính phủ định hướng phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đô thị thông minh. Các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu cũng cần được đẩy mạnh để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và cá nhân trong các lĩnh vực này.

Xây dựng ngành công nghiệp Internet vạn vật (IoT), chuyển đổi số các khu công nghiệp thành khu công nghiệp thông minh, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý và phát triển.

Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, phải có các giải pháp đồng bộ để phát triển giáo dục STEM, thu hút học sinh giỏi vào các ngành công nghệ chiến lược và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo cùng các lĩnh vực công nghệ khác.

Đồng thời, rà soát các chính sách học bổng, miễn giảm học phí và ưu đãi thuế để khuyến khích các hoạt động đầu tư, hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học. Việc giao quyền tự chủ cao hơn cho các trường đại học cũng được nhấn mạnh nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ 5, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu lực hành chính. Chính phủ đề xuất ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng các mô hình Trung tâm giám sát điều hành thông minh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và cá nhân hóa dịch vụ số cho người dân. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo sẽ được tận dụng để cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh phổ cập các dịch vụ số thiết yếu, đảm bảo mỗi người dân có danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số để tham gia vào nền kinh tế số.

Thứ 6, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam cũng là một trong những mục tiêu quan trọng, đi kèm với chính sách ưu đãi để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ hiện đại tại Việt Nam. Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc dẫn dắt các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ 7, tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố không thể thiếu. Việt Nam cần chủ động học tập kinh nghiệm và ứng dụng thành tựu từ các quốc gia tiên tiến, đồng thời tích cực tham gia định hình các quy tắc và khuôn khổ quản trị quốc tế về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Các hoạt động ngoại giao công nghệ và hợp tác quốc tế sẽ góp phần thu hút nguồn lực bên ngoài, đảm bảo an ninh kinh tế và nâng cao tự chủ công nghệ của quốc gia.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết nhấn mạnh đây là động lực quan trọng hàng đầu, góp phần phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới quản trị quốc gia, thúc đẩy kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số với ít nhất năm doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế. Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 55% vào tăng trưởng kinh tế, sản phẩm công nghệ cao chiếm ít nhất 50% giá trị xuất khẩu, kinh tế số đạt 30% GDP.

Việt Nam phấn đấu duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7, nâng kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) lên 2% GDP, trong đó hơn 60% từ xã hội. Đến năm 2045, kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP, Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số khu vực, thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Nguyệt Minh

Link nội dung: https://vsta.org.vn/go-vuong-the-che-chinh-sach-de-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-24737.html