‘Khoán 10’ trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Cơ hội cho sự bứt phá

Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng tạo nên một bước ngoặt tương tự như “Khoán 10” trong nông nghiệp trước đây, giải phóng sức sáng tạo của toàn xã hội.

cong-nghe30-15-4-21-17364773582522085574842-1736561396367161002799-1736707388.jpg

Việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57 được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".

Tiếp đó, ngày 9/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57, thể hiện rõ quyết tâm đưa khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Theo yêu cầu của Chính phủ, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ như: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...

Đột phá về phương thức sản xuất mới
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định Nghị quyết 57 là lời hiệu triệu, là mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Nghị quyết đi thẳng vào những vấn đề rất mới của thời đại như: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet vạn vật (IoT), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới… để thúc đẩy nhanh nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống.

Đồng thời đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cũng như đưa ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học và người dân.

base64-1736561513654448687785-1736707389.png

PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bày tỏ kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) ví đây như là "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, nếu Khoán 10 trong nông nghiệp trước đây đã tạo nên một cuộc cách mạng chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường thì Nghị quyết 57 có thể tạo nên sự đột phá về mô hình sản xuất mới dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Nghị quyết 57 xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính thúc đẩy mô hình và phương thức sản xuất kiểu mới. Quan điểm và mục tiêu Nghị quyết đề ra sẽ tác động rất mạnh không chỉ với cộng đồng nhà khoa học, mà là toàn xã hội", PGS.TS Vũ Văn Tích bày tỏ. 

Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Nghị quyết 57 hướng đến tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và chính sách cho hoạt động KHCN phát triển đúng với vị thế và vai trò của nó, với mong muốn KHCN là lực lượng sản xuất hiện đại; KHCN và đổi mới sáng tạo kết hợp với chuyển đổi số đóng vai trò tạo nên một phương thức sản xuất mới hướng tới sản phẩm đầu ra, đủ sức cạnh tranh với các nền sản xuất của các nước khác trong xuất khẩu hàng hoá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mô hình quản trị mới.

Tháo gỡ những điểm nghẽn, giải phóng sức sáng tạo

Hiện nay, một trong những rào cản lớn nhất đối với nhà khoa học chính là cơ chế tài chính phức tạp và mang nặng tính hành chính. Để được giải ngân kinh phí, nhà khoa học phải hoàn thành hàng loạt thủ tục chứng minh chi tiêu, làm giảm đáng kể thời gian dành cho nghiên cứu thực sự. Chính vì vậy, điểm đột phá của Nghị quyết 57 là thay đổi cách quản lý tài chính công.

Cụ thể, cơ chế quản lý tài chính sẽ chuyển sang hướng đầu tư dựa trên kết quả đầu ra, thay vì kiểm soát chứng từ như hiện nay. Nhà nước sẽ trở thành "nhà đầu tư công" với các mục tiêu rõ ràng, gắn với KPI sản phẩm.

PGS.TS Vũ Văn Tích kỳ vọng, khi cơ chế này được thực thi, những rào cản về tài chính và thủ tục hành chính sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo, thay vì bị cuốn vào việc hoàn thiện chứng từ như hiện nay. 

"Tôi nghĩ điều này sẽ trả lại đúng bản chất đổi mới sáng tạo trong hoạt động KHCN", PGS. TS.Vũ Văn Tích nói. 

PGS.TS. Vũ Văn Tích bày tỏ kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ làm thay đổi tư duy của cả nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân về một nền sản xuất kiểu mới gắn với xu thế chung của thế giới. Đổi mới tư duy lần này sẽ giúp Việt Nam không bị tụt hậu, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việc đầu tư mạnh cho chuyển đổi số đồng nghĩa với việc thúc đẩy sản xuất nhanh hơn, đưa hàng hoá tới thị trường rộng hơn, tạo điều kiện cho tăng trưởng GDP ở hai con số. 

Khi điểm nghẽn về quy trình quản lý hiện nay được tháo gỡ, cơ chế quản lý tài chính hướng tới sản phẩm đầu ra về KHCN hơn là hướng tới chứng từ thì nhiều người có thể làm KHCN (khoa học mở). Các nhà khoa học, doanh nghiệp và các nhà quản lý kết hợp với nhau tạo nên các hệ thống đổi mới sáng tạo khác nhau trong các ngành và trong các vùng miền, khi đó kinh tế sẽ phát triển theo hướng kinh tế sáng tạo và kinh tế đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ đề ra, cần triển khai đồng thời Nghị quyết 18 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết 57 trong ngành KHCN, để có con người mới (lực lượng sản xuất hiện đại), sớm thể chế hoá các luật và nghị định mới theo đúng quan điểm chỉ đạo cho phép triển khai thí điểm các cơ chế mới, khi đó mới phù hợp với phương thức sản xuất mới.

Đồng thời đầu tư có trọng tâm và trọng điểm gắn với trách nhiệm người đứng đầu của các tổ chức để có đủ tư liệu sản xuất kiểu mới đạt trình độ tiên tiến trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, gắn chặt với xu thế công nghệ mới của thế giới hiện nay, hướng tới gia tăng giá trị xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam, tạo tiền đề và nền tảng cho thu hút đầu tư công nghệ cao của nước ngoài.

Ngoài ra, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo. Gắn chặt KPI về đổi mới sáng tạo đối với các tổ chức và người đứng đầu để hướng tới một quốc gia sáng tạo…

Biến những kỳ vọng thành hiện thực
Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII nhận định một điểm đổi mới quan trọng nhất trong Nghị quyết 57 chính là đổi mới về tư duy. Nghị quyết 57 cho phép "chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học".

base64-1715672588415961008605-17365618294542092391741-1736707389.png

Bà Bùi Thị An, nguyên Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Điều này khuyến khích sáng tạo và giảm áp lực về việc mọi đề tài nghiên cứu đều phải thành công như trước đây - một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình nghiên cứu chỉ "nằm trong ngăn kéo".

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng xác định rõ: "Việt Nam từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G-6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi".

Bà Bùi Thị An cho rằng "làm chủ công nghệ" là vô cùng quan trọng. Việc làm chủ công nghệ sẽ giúp Việt Nam độc lập trong nghiên cứu, độc lập trong ứng dụng, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài từ đó sẽ giúp chúng ta tự chủ trong nhiều lĩnh vực trong đó có chủ quyền, an ninh quốc gia và nâng cao sức cạnh tranh.

Theo bà Bùi Thị An, để thực hiện thành công Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ, cần được tập trung vào 2 vấn đề: Thể chế và con người. Trong đó, thể chế đã được tháo gỡ phần lớn trong Nghị quyết 57 mà Bộ Chính trị vừa ban hành. 

Vấn đề còn lại là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà khoa học có tâm, có tầm, có khả năng định hướng chiến lược đúng đắn và thúc đẩy sự phát triển thực chất. Những cán bộ làm khoa học cần tránh bệnh hình thức, tập trung vào các nghiên cứu có tính ứng dụng cao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Theo các nhà khoa học, chuyên gia, Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ không chỉ là một kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đơn thuần mà còn là lời kêu gọi đổi mới tư duy, giải phóng sức sáng tạo của toàn xã hội.

Giống như "Khoán 10" trong nông nghiệp đã từng giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng lương thực, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57 được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Điều quan trọng nhất lúc này là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của toàn xã hội để biến những kỳ vọng thành hiện thực, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hoàng Giang

Link nội dung: https://vsta.org.vn/khoan-10-trong-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-co-hoi-cho-su-but-pha-24738.html