"Những biến động địa chính trị toàn cầu thời gian qua là lời nhắc nhở không chỉ cho Việt Nam, mà các quốc gia trên thế giới, cần nghĩ lại, đánh giá lại, đặt lại vấn đề về tầm quan trọng của tự lực tự cường tự chủ của dân tộc", Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chia sẻ tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2025, sáng 19/4 ở Hà Nội.
Trước sự hiện diện của gần 130 doanh nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của lĩnh vực này và các doanh nghiệp, đặc biệt khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nền tảng phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông nhắc đến các thách thức khách quan và chủ quan, đòi hỏi doanh nghiệp cần tiếp tục sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ vươn tầm thế giới.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025. Ảnh: Lưu Quý
Nhắc đến việc Mỹ đánh thuế cao với mặt hàng nhập khẩu, Thứ trưởng Phương cho rằng nếu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không làm chủ công nghệ, đặc biệt các công nghệ chiến lược, không chế tạo sản xuất được sản phẩm cốt lõi, thiết yếu, sẽ phải đổi mặt nhiều nguy cơ trong tương lai.
Sao Khuê là giải thường thường niên được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa khởi xướng năm 2003, vinh danh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công nghệ thông tin, công nghệ số. Trong lần thứ 22 tổ chức, chương trình đạt kỷ lục về quy mô khi thu hút hơn 500 hồ sơ. 337 đề cử đạt điều kiện vào vòng trong, trước khi chọn ra 198 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu từ 129 doanh nghiệp.
Năm nay, các giải thưởng được vinh danh gồm: 5 giải pháp chuyển đổi số chính phủ, chính quyền, khu vực công; 19 đề cử trong hạng mục cộng đồng, người dân; 34 đề cử thúc đẩy quản trị doanh nghiệp; 11 giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế - công nghiệp; 29 giải pháp số lĩnh vực thị trường - tiêu dùng; 26 nền tảng - hạ tầng công nghệ; 11 giải pháp đổi mới sáng tạo; 42 sản phẩm phần mềm, dịch vụ mới và 21 giải pháp tiên phong về dịch vụ số.
Theo đại diện Vinasa, các đề cử đạt giải thể hiện xu thế công nghệ của năm, trong đó các vấn đề nổi bật gồm: quản trị thông minh nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh khối doanh nghiệp; phát triển chính phủ, chính quyền số, cã hội số; và xu thế đầu tư mạnh mẽ cho AI và hạ tầng số.
Theo thống kê, 198 đề cử đoạt giải có tổng doanh thu 2024 gần 48.000 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024. Ngoài ra, nhiều giải pháp về AI, blockchain và điện toán đám mây trong giải thưởng được đưa vào nhiều hợp đồng lớn tại các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, và Bắc Mỹ.
Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025. Ảnh: Lưu Quý
"Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ dừng ở thị trường nội địa mà còn mang trí tuệ Việt ra thế giới. Những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên toàn cầu", ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, Chủ tịch Vinasa, khẳng định.
Theo ông Khoa, Nghị quyết 57 đang tạo ra động lực rất lớn "Tôi kêu gọi doanh nghiệp công nghệ nỗ lực sáng tạo hơn nữa, liên kết chặt chẽ hơn nữa để sẵn sàng giải những bài toán lớn của đất nước", ông nói.
Danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2025 được trao cho 9 giải pháp, dịch vụ:
STT | Dịch vụ/Giải pháp | Doanh nghiệp | Lĩnh vực |
1 | Dịch vụ BPM | NashTech | Số hóa dữ liệu - quy trình (BPO) |
2 | FPT Camera Agent | FPT | Thiết bị thông minh |
3 | Ứng dụng GIMO | GIMO | Giải pháp thúc đẩy tiếp cận số |
4 | Infrastructure Managed Services | FPT | Quản trị hệ thống CNTT |
5 | iPOS FABi | iPOS | Dịch vụ chuyển đổi số |
6 | MBS Mobile App | MBS | Bảo hiểm/Chứng khoán/Đầu tư |
7 | MoMo | M-Service | Fintech |
8 | PREP | PREP | Giáo dục, đào tạo |
9 | VietinBank iPay Mobile | VietinBank | Ngân hàng số |
Lưu Quý