Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Quốc Khánh
Ngày 24/1, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo quý 4 và gặp mặt các cơ quan báo chí.
Các đại biểu tại cuộc họp báo.
Các đại biểu tại cuộc họp báo.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm Chính phủ sẽ ban hành ngay từ những ngày đầu năm Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước (Nghị quyết 01) và Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 02).

Năm nay, Nghị quyết 01 và 02 được Chính phủ ban hành vào ngày 5/1/2024. Ngay sau đó, ngày 19/1/2024, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 59/QĐ-BKHCN ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Đây là kế hoạch tổng thể về các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong năm 2024, với 65 nhiệm vụ cụ thể chia làm 7 nhóm. Năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có đổi mới, chỉ đưa vào những nhiệm vụ trọng tâm, có sản phẩm cụ thể, không liệt kê, đưa các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên. Chính vì vậy, số lượng nhiệm vụ cụ thể chỉ còn 65 nhiệm vụ thay vì khoảng 100 nhiệm vụ như các năm trước đây.

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm ảnh 1

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo.

Trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành một số Nghị quyết liên quan lĩnh vực khoa học và công nghệ, cụ thể là Nghị quyết 36 (30/1/2023) về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết 45 (24/11/2023) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; và gần đây nhất là Kết luận số 69 (11/1/2024) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI (Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhất, cần tập trung nhất trong công tác năm 2024, và trong kế hoạch này, nhiệm vụ căn cốt nhất là công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về công tác hoàn thiện thể chế, trong năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung xây dựng luật/lập đề nghị xây dựng 04 Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện lập đề nghị xây dựng 03 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)) theo chỉ đạo của Chính phủ để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV. Trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ.

Bên cạnh các dự án xây dựng Luật, Bộ cũng có kế hoạch xây dựng, trình Chính phủ 05 Nghị định, trong đó có một số Nghị định rất quan trọng như: Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ; Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập...

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ cũng sẽ tập trung triển khai các Chiến lược đã được ban hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, như Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.

Để thực hiện các Chiến lược này, trong 02 năm vừa qua, Bộ đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới. Đến nay các công việc này cơ bản đã hoàn thành với 44 Chương trình, khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030 đã được phê duyệt (22 Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 Chương trình do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt), cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Về các nhiệm vụ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số Năng lực Đổi mới sáng tạo (GII) của WIPO, năm 2024, Bộ sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời để Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trong nhóm 04 quốc gia dẫn đầu của ASEAN về Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Trong 13 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, sau một thời gian thực hiện thí điểm, được sự đồng ý của Chính phủ, năm 2023 Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hàng năm nhằm đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của các địa phương trên cả nước, dự kiến sẽ được công bố vào thời gian tới.

TUẤN ANH

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN