Cổng AI 'lọc' cá hồi bơi qua sông

Bùi Quốc Khánh
Na UyCánh cổng AI đặt dưới sông Storelva có thể phân biệt cá hồi bản địa với cá hồi xâm lấn và chỉ cho phép loài bản địa bơi qua.
Cổng mở ra cho một cặp cá hồi Đại Tây Dương bản địa, cho phép chúng tiếp tục bơi ngược dòng sông. Ảnh: Huawei

Cổng mở ra cho một cặp cá hồi Đại Tây Dương bản địa, cho phép chúng tiếp tục bơi ngược dòng sông. Ảnh: Huawei

Cá hồi Thái Bình Dương du nhập vào biển Trắng (Bạch Hải) của Nga vào những năm 1950. Sau đó, chúng sinh sôi dọc theo bờ biển của Na Uy và xâm nhập những con sông của nước này. Nhằm kiểm soát số lượng cá hồi ngoại lai xâm lấn, một chiếc cổng trang bị AI với khả năng nhận dạng cá đã được lắp đặt trên sông Storelva ở Na Uy, New Atlas hôm 26/8 đưa tin.

Ngoài việc gây ra các bệnh mới cho cá hồi Đại Tây Dương bản địa, cá hồi Thái Bình Dương xâm lấn còn có chu kỳ sinh sản nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa khi số lượng cá hồi Thái Bình Dương tăng nhanh, chúng bắt đầu lấn át loài bản địa về thức ăn và địa điểm sinh sản. Kết quả là quần thể cá hồi Thái Bình Dương tăng lên nhanh chóng còn quần thể cá hồi Đại Tây Dương ngày càng giảm.

Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei hợp tác với công ty Berlevåg Jeger-og Fiskerforening của Na Uy (BJFF) theo chương trình phát triển bền vững TECH4ALL để giải quyết tình trạng này. Cụ thể, các chuyên gia đặt một cánh cổng cơ học trên sông Storelva của Na Uy, nơi cá sẽ chui qua khi bơi ngược dòng từ biển vào. Một thuật toán AI, với khả năng phân biệt giữa cá hồi Đại Tây Dương và cá hồi Thái Bình Dương với tỷ lệ chính xác 91%, sẽ phân tích video thời gian thực từ camera dưới nước đặt trong lối vào cổng.

Nếu hệ thống xác định con vật bơi qua là cá hồi Đại Tây Dương bản địa thì cổng sẽ mở ra để nó tiếp tục bơi ngược dòng sông. Tuy nhiên, nếu là cá hồi Thái Bình Dương, cánh cổng vẫn đóng và con cá được chuyển hướng vào một bể chứa để "loại bỏ".

Công nghệ mới cũng có khả năng xác định các loại cá khác và cho phép chúng qua cổng. Dữ liệu thu thập được về mọi loài cá đi qua hệ thống có thể dùng cho những nghiên cứu về mô hình di cư và quần thể động vật địa phương.

"Đây là một sáng kiến độc đáo, cả ở Na Uy lẫn trên toàn cầu. Với giải pháp công nghệ cao này, chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được dòng sông. Cơ quan quản lý sông, chính quyền địa phương và trung ương ở các khu vực dọc theo bờ biển cũng rất quan tâm đến dự án", Geir Kristiansen, chủ tịch BJFF, cho biết

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN