COVID-19: Những lưu ý đặc biệt khi cách ly F0, F1 tại nhà

Quản trị Web
Mỗi người chúng ta đều có thể là F0, F1 hay F2 bất cứ lúc nào, vì vậy, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh. Khi cách ly y tế tại nhà, nếu có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, cần báo ngay cho cơ quan y tế.

Việc cách ly y tế tại nhà đối với các F1 đã được nhiều chuyên gia y tế thừa nhận mang lại lợi ích cho chính người bệnh, giúp giảm tải hệ thống y tế. Tuy nhiên, thực hiện cách ly y tế tại nhà cần có sự hướng dẫn của cơ quan y tế cũng như sự tuân thủ nghiêm ngặt của chính người bệnh, người chăm sóc và các thành viên trong gia đình.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà.

anh-chup-man-hinh-2021-07-13-luc-220624-1626188798323225488741-1627260780.png
Cách ly F0, F1 tại nhà sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, nhưng phải đảm bảo hiểu rõ về virus COVID-19, cơ chế lây bệnh cũng như các cách phòng tránh.

Hiểu rõ về virus COVID-19 để an toàn và bình tĩnh

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), mỗi người chúng ta đều có thể là F0, F1 hay F2 bất cứ lúc nào, vì vậy, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh.

Đặc biệt, nếu muốn giữ cho bản thân, gia đình rồi họ hàng, cơ quan an toàn trong dịch bệnh thì đầu tiên phải hiểu về con virus này. Trong video chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết, virus COVID-19 chỉ lây qua người và không có đường lây khác. Chính vì chỉ lây từ người qua người nên nếu bản thân không gặp người bệnh thì không bao giờ bị bệnh, hoặc nếu có gặp mà phòng thủ đúng cách thì cũng không bao giờ bị nhiễm. Bàn tay của mình không tiếp xúc với đồ vật mà người bệnh sử dụng hoặc giọt bắn của người bệnh văng vào, và không đưa tay lên vùng mũi, miệng thì cũng không thể bị nhiễm.

Ngoài ra, nếu không đi vào phòng lạnh, kín mà trước đó không có người bị bệnh ho hoặc nói chuyện ở đó thì mình cũng không thể bị bệnh. Chỉ khi nào mình đi vào một phòng kín, lạnh có người bị nhiễm ho, nói chuyện trong đó mà mình không mang khẩu trang thì cũng có thể bị nhiễm.

Vậy nên, nếu thực hiện đúng những điều trên thì “chúng ta là người an toàn”.

Theo lời khuyên của bác sỹ Trương Hữu Khanh, bạn nên bình tĩnh, không hoảng loạn nếu trở thành F0, sự hoảng loạn có thể khiến bạn khó thở do yếu tố tâm lý. Nếu bạn là đối tượng nguy cơ, như bị béo phì, trên 60 tuổi, có bệnh nền đang điều trị, cần liên lạc ngay với y tế địa phương để chuẩn bị cách ly. Nếu bạn không thuộc đối tượng nguy cơ, đa số sẽ tự khỏi trong 10 ngày. Bạn có thể không có triệu chứng cho đến khi hết bệnh, hoặc có các triệu chứng như bị cảm, viêm họng. Các triệu chứng sẽ hết dần và khỏi bệnh.

Cần làm gì khi cách ly F1 tại nhà?

Đối với vấn đề cách ly F1 tại nhà, vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 5599/BYT- MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đó, đối với vấn đề thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho đối tượng F1.

Bộ Y tế cho biết, sau khi các địa phương thí điểm cần, tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên quy mô rộng hơn.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương cho biết, cách ly tại nhà F1, F0 thực sự giảm tải cho y tế, đồng thời giúp động viên tinh thần cho người phải cách ly, khi ở nhà có đủ điều kiện và tránh được sự đảo lộn cuộc sống, tránh được nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Theo bác sỹ Nhung, khi cách ly F1 tại nhà, bản thân F1 và người chăm sóc, các thành viên trong gia đình cần hiểu rõ về COVID-19, cơ chế lây bệnh để đảm bảo không lây nhiễm cho người khác. Các thành viên trong gia đình cũng phải hiểu biết về cách ly và cam kết tuân thủ quy định cách ly tại nhà. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà cũng nêu rõ các đối tượng F1 khi cách ly y tế tại nhà cần có yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị như là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19”, có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-COV-2” để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.

Bộ Y tế cũng đề nghị F1 khi cách ly tại nhà không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.

Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Người cách ly cần chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi; Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly; Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.

Lưu ý không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác. Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày; phân loại chất thải.

Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định. Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Ngoài ra, theo lời khuyên của bác sỹ Nhung, tuy là cách ly tại nhà song cần có hệ thống y tế theo dõi và có nhiều người hỗ trợ. Lúc này, vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, cán bộ y tế rất quan trọng.

6 điều cần làm khi F0 cách ly tại nhà

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, nếu bạn là F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly, cần bình tĩnh chờ, thực hiện giống như trong khu cách ly. Nghĩa là bạn cần uống đủ nước, uống nước đều, đảm bảo giờ giấc nghỉ ngơi và vận động, tự vệ sinh và giữ thông thoáng trong phòng cách ly. Khi có triệu chứng khó chịu, bình tĩnh báo cho nhân viên y tế. Sau đây là 6 việc cụ thể cần làm mà bác sỹ Trương Hữu Khanh đưa ra khi F0 chưa được đưa đến khu điều trị và đang phải cách ly tại nhà.

Thứ nhất, không ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép.

Thứ hai, giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc với người nhà, mang khẩu trang và tấm che giọt bắn khi được tiếp tế.

Thứ ba, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập thể dục điều độ.

Thứ tư, ăn sạch uống sạch, nhà vệ sinh phải sạch, mang khẩu trang và rửa tay khi đi vệ sinh.

Thứ năm, phòng ở thông thoáng, thường xuyên vệ sinh bề mặt xung quanh nơi làm việc.

Thứ sáu, bình tĩnh chờ thông báo từ nhân viên y tế để làm xét nghiệm lại.

216148281-3010928399229487-3821272110818086233-n-1627260837.jpg

Ngoài việc đảm bảo vệ sinh và tăng cường sức đề kháng, người bệnh cách ly tại nhà cần theo dõi và xử trí các triệu chứng thông thường. Như những lần bị cảm cúm, viêm họng trước kia, người bệnh nên uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm ho. Nếu không có triệu chứng, không nên uống thuốc ngừa. Đặc biệt, cần theo dõi thân nhiệt mỗi ngày.

Trong trường hợp các triệu chứng trở nặng, cần báo ngay cho cơ quan y tế. Người bệnh xuất hiện một trong các triệu chứng như:

- Khó thở (nằm ngửa thấy ngộp thở phải ngồi dậy. Ngồi ngửa thấy khó thở phải ngồi thẳng lưng).

- Nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút.

- Nồng độ Oxy máu đo ở đầu ngón tay (nếu có) dưới 95%.

- Đau hoặc tức ngực thường xuyên.

- Da, móng tay, môi nhợt nhạt hay tím tái.

Khi có một trong các triệu chứng trên xuất hiện, người bệnh cần liên hệ ngay với cơ quan y tế. Trong thời gian chờ được mang đi điều trị, nên thực hiện tập hít thở sâu, hít vào bằng mũi sâu tới mức phình bụng, thở ra từ từ bằng miệng đến khi bụng xẹp. Nếu hiệu quả thì tiếp tục hít thở sâu. Nếu không hiệu quả, chuyển sang nằm sấp để thở.

195214791802-3012509035738090-5476863863664761678-n-1627260837.jpg
Nguồn doanhnghiepvn
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN