Nguyễn Trần Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, Tổng công ty Viễn thông Viettel, là một trong những đại sứ tham gia hội nghị Women in Data Science (Phụ nữ trong ngành khoa học dữ liệu) vừa qua. Nữ kỹ sư từng ăn ngủ cùng các dự án Big Data khi đây còn là một từ khoá mới trên toàn thế giới.
Năm 2013, Linh được giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ Big Data để giải quyết những bài toán liên quan đến dữ liệu viễn thông - nhóm dữ liệu phát sinh từng ngày với quy mô và tính chất phức tạp.
Nhận trọng trách lớn khiến cô gái trẻ vừa mừng, vừa lo lắng bởi thời điểm đó, lĩnh vực Big Data còn quá mới, ít công ty trên thế giới nghiên cứu. Hơn nữa, Ngọc Linh còn thử thách với công nghệ mới nhất trong xử lý dữ liệu lớn bấy giờ là Apache Spark, công cụ cho phép người dùng xây dựng nhanh các mô hình dự đoán và cùng lúc thực hiện tính toán song song với dữ liệu lớn.
Viettel có rất nhiều bài toán mới và khó - môi trường giúp tôi nghiên cứu và sáng tạo, Linh nói và cho biết đã tham gia hàng loạt dự án quan trọng như Viettel Data Lake, Viettel Realtime Big Data Platform...
Kết hợp với các mô hình thuật toán học máy, nghiên cứu của Linh và đồng nghiệp đã đưa ra khuyến nghị về kinh doanh trong viễn thông, quảng cáo thương mại điện tử, giải quyết nhiều bài toán của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Peru, Myanmar...
Giống như Linh, ngày càng nhiều nữ kỹ sư phá bỏ rào cản giới, không ngại thử thách bản thân với những bài toán công nghệ mới nhất.
Tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực hot AI, kỹ sư Giải pháp Công nghệ, Trung tâm không gian mạng Viettel - Vũ Thị Hạnh theo đuổi bài toán về Thị giác máy tính, với mục tiêu giúp máy tính có được khả năng nhìn và hiểu giống như con người.
Đây là một phương pháp sử dụng hình ảnh và video để hiểu về thế giới thật thông qua các mô hình học máy, học sâu và các thuật toán xử lý ảnh... Thị giác máy tính có ứng dụng thực tế rộng rãi và hữu ích, đặc biệt trong việc xây dựng các thành phố thông minh ở Việt Nam.
Là một trong những kỹ sư đầu tiên khi nhóm mới thành lập, thách thức tôi gặp phải chủ yếu từ việc định hướng công nghệ sẽ phát triển, định hướng sản phẩm, điều tra thị trường, tìm kiếm nhân lực và xây dựng nhóm..., Hạnh kể.
Hạnh bắt đầu tìm hiểu về các dự án xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, ứng dụng các sản phẩm về Camera AI trong cuộc sống. Ban đầu, số lượng bài toán rất nhiều mà nhân lực ít, phân bố các bài toán nhỏ lẻ, chưa có hệ thống, dữ liệu không tập trung, rải rác khiến cho việc thu thập dữ liệu và giải quyết các bài toán rất khó khăn, cô chia sẻ.
Áp lực về công nghệ, chạy đua về thời gian, thiếu thốn về nhân lực, không ít lần thử nghiệm thất bại... song bằng sự kiên trì và nỗ lực của tập thể, nhóm của Hạnh đã đạt những kết quả nghiên cứu đầu tiên khả thi.
Đến nay, các sản phẩm ứng dụng thực tế do Hạnh và đồng đội phát triển đã cho chỉ số chính xác tiệm cận thế giới. Đơn cử như giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC), trích xuất thông tin giấy tờ tuỳ thân (OCR) với độ chính xác hơn 99%; Giám sát an ninh thông minh với công nghệ AI nhận dạng hành vi con người, phát hiện người và theo vết người từ video với độ chính xác trên 95%.
Công nghệ giám sát an ninh đã và đang áp dụng vào các bài toán thực tế như phát hiện hành vi xâm nhập trái phép, đám cháy, khói, đám đông tụ tập...
Nhớ lại những ngày làm dự án Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến, chị Hồ Thị Xuân Hòa vẫn nhớ đến câu to be or not to be (tạm dịch tồn tại hay không tồn tại). Nếu không sớm tìm ra phương án, trạm thiết bị của Tổng công ty có nguy cơ bị loại khỏi mạng lưới và không được sản xuất các lô tiếp theo. Nếu thành công, nghiên cứu của họ sẽ trở thành một trong những bí mật công nghệ lớn mà trên thế giới chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp làm được.
Dự án thành công, đơn đăng ký sáng chế của nhóm đáp ứng được các điều kiện bảo hộ độc quyền từ USPTO (Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ). Nghiên cứu này đã góp phần giúp Viettel chỉ mất 6 tháng để phát triển mạng 5G, so với thời gian 4-5 năm để phát triển mạng 4G trước đó.
Một nữ chiến binh khác tại Tổng công ty Công nghệ cao Viettel là Ngô Thị Hường, đồng tác giả của sáng chế Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng được cấp bằng độc quyền tại Mỹ vào tháng 8/2021.
Từ cuối năm 2016, team ăng-ten của Hường nhận nhiệm vụ thiết kế bộ ghép lai có thể dùng cho bộ chia mặt phẳng đứng các đài radar 3D. Bộ ghép lai thông thường có băng thông hẹp, cổng tổng, cổng hiệu không cùng phía với nhau, không đáp ứng được dải tần hoạt động của hệ thống. Do đó, nhóm của Hường cần sử dụng những kỹ thuật mới để tăng băng thông cho bộ ghép lai mà vẫn bảo đảm kích thước nhỏ gọn.
Sau khi đã giải quyết được bài toán kỹ thuật, Hường và đồng nghiệp đối mặt với vấn đề khi bộ ghép lai có 2 cổng khác hướng, dẫn đến khó khăn trong việc thiết kế tổng thể sản phẩm. Từ thực tiễn đó, bộ ghép lai có cổng tổng, hiệu đồng hướng được nghiên cứu và chính thức hoàn thiện vào năm 2017.
Theo thống kê của Editor’s Choice, phụ nữ hiện nắm 26,7% công việc liên quan đến công nghệ. Khảo sát các công ty công nghệ với hơn 10.000 nhân viên cho thấy tỷ lệ phụ nữ là 26,2%. Số liệu của Zippia cho biết chỉ có 26,5% vị trí điều hành, các vị trí cấp cao và quản lý trong các công ty S&P 500 do phụ nữ nắm giữ.
Lãnh đạo Viettel chia sẻ, mỗi lĩnh vực đều có thuận lợi và khó khăn với cả nam và nữ. Phụ nữ và nam giới hiện nay có đóng góp như nhau, không chỉ ở Viettel mà ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. "Để phụ nữ được sáng tạo và đạt được những thành tựu trong công việc, cần có sự đồng hành và truyền thêm động lực cho phụ nữ, như cách mà Viettel đang xây dựng. Khi tự tin vào giá trị bản thân, phụ nữ sẽ tìm ra sức mạnh của chính mình", vị lãnh đạo nói.