Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị quản lý, các tổ chức chủ trì: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Vườn Quốc gia Ba Vì.
Mở đầu hội thảo, Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, phát biểu “Xuất phát từ thực tiễn quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, hiện nay công tác mua sắm hàng hóa còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan đến lập hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, triển khai đấu thầu, công tác thanh quyết toán kinh phí mua sắm hàng hóa… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ. Trăn trở với những điều đó, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước tổ chức Hội thảo để các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận, thống nhất giải pháp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo việc tuân thủ các quy định hiện hành, rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi tối đa hỗ trợ các tổ chức chủ trì, các nhà khoa học trong quá trình triển khai công tác mua sắm hàng hóa nói riêng, triển khai nhiệm vụ KH&CN nói chung”.
Báo cáo tham luận “Tổng quan thực tiễn trong thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia có sử dụng ngân sách nhà nước” của đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước đã trình bày hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến công tác mua sắm hàng hóa, thực tế triển khai theo hướng dẫn của các văn bản, những vấn đề chưa thống nhất trong quá trình lập hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm quyền phê duyệt đối với các gói thầu thuộc kinh phí khoán/không khoán, tiêu chí về chỉ tiêu kỹ thuật, mã hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, công tác thanh quyết toán kinh phí mua sắm hàng hóa…
Phần thảo luận của Hội thảo, các đại biểu đã tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến. Đại diện Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam chia sẻ ý kiến về phân cấp ủy quyền trong mua sắm hàng hóa đối với các gói thầu thuộc kinh phí khoán/không khoán; những khó khăn trong việc triển khai đấu thầu tại những vùng sâu, vùng xa. Đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Vườn Quốc gia Ba Vì có ý kiến về cơ sở phân chia gói thầu, những quy định liên quan đến việc bàn giao sản phẩm trung gian, sản phẩm cuối cùng. Đại diện Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật đã chia sẻ các ý kiến về thẩm định chỉ tiêu kỹ thuật của hàng hóa, cơ sở phân tách các gói thầu, những vấn đề liên quan đến điều chỉnh danh mục hàng hóa.
Sau phiên thảo luận, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cùng đại diện các Tổ chức chủ trì, đơn vị quản lý đã thống nhất một số nội dung, những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm hàng hóa như: Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ tự quyết định việc mua sắm đối với nội dung mua sắm được giao khoán và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật (theo Thông tư số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015); các báo giá, chứng thư thẩm định giá có đầy đủ xuất xứ, mã hàng hóa làm cơ sở xác định giá; vật tư hàng hóa đầy đủ tối đa nhất thông tin về chỉ tiêu kỹ thuật làm cơ sở thực hiện mua sắm; việc phân tách gói thầu được xem xét bởi các đơn vị chuyên môn đảm bảo tính đặc thù, thống nhất của hàng hóa.