Yêu cầu được Thứ trưởng Trần Hồng Thái nêu tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh Khánh Hòa, chiều 16/8 nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương. Hai bên dành nhiều thời gian để thảo luận về thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, địa phương đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm yến sào, trầm hương; bảo hộ nhãn hiệu "Yến sào Khánh Hòa" và bổ sung "Yến sào" vào danh mục sản phẩm quốc gia.
Tại cuộc họp, TS Triệu Việt Phương, quyền Viện trưởng Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, cho biết trầm hương và yến sào là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, do vậy việc có thêm công cụ giúp cho việc kiểm soát chất lượng tốt hơn "đối với hai sản phẩm này rất cần thiết".
Theo ông Phương, trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đều hướng đến yếu tố mang tính quốc tế. "Trầm hương và yến sào là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, do vậy cách tiếp cận phải vừa mang tính chất đặc thù của Việt Nam nhưng lại phù hợp và đáp ứng được thị trường quốc tế", ông nói
TS Phương cho biết tiêu chuẩn quốc gia "chắc chắn" là công cụ hữu ích để bảo quản chất lượng, và vấn đề khoa học, khảo sát để xác định đặc tính đặc thù của từng sản phẩm "là rất quan trọng và không thể tách rời".
Ông cũng cho biết khi xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cũng cần có thêm những công cụ hỗ trợ khác để có thể "vừa kiểm tra được chất lượng và vừa kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này, để có thể bảo vệ thương hiệu của quốc gia".
Còn bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết việc tỉnh Khánh Hòa đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về yến sào và trầm hương nhằm "bảo vệ hai sản phẩm đặc biệt này", không chỉ là thế mạnh của tỉnh mà còn có những xu hướng phát triển linh hoạt, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước.
Bà Quỳnh cho hay khi người dân biết đến Khánh Hòa thì thường nhắc đến yến sào, nhưng "câu hỏi đặt ra là tổ chức nào sẽ có quyền đăng ký nhãn hiệu yến sào Khánh Hòa này và phạm vi bảo vệ đến đâu? Đây là yếu tố rất lớn cần đặt ra để giải quyết, tránh xung đột quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân".
Trầm hương cũng như vậy, vấn đề bảo hộ sản phẩm đặc biệt này bằng phương thức nào, bằng đối tượng sở hữu trí tuệ nào (nhãn hiệu chứng nhận hay chỉ dẫn địa lý)?. "Tôi nghĩ đấy không chỉ bài toán kỹ thuật mà là bài toán kinh tế rất lớn", bà Quỳnh nói.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty yến sào Khánh Hòa cho biết sản phẩm yến sào tại địa phương đang tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia sẽ bảo vệ cho người tiêu dùng cũng giống như công cụ để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý và đảm bảo được phát triển bền vững của ngành nghề yến sào.
"Việc này sẽ nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội xuất khẩu và khẳng định được giá trị, định vị thương hiệu", bà Vân nói, đồng thời kiến nghị Bộ cho một nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia vì "đơn vị đang chú trọng đến phát triển các sản phẩm mới và nghiên cứu khoa học".
Cuối cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm giúp đỡ địa phương việc lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các đề án, kế hoạch nêu trong buổi làm việc; đồng thời có văn bản hướng dẫn tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết sẽ "đặc biệt quan tâm" đến đề xuất của địa phương, đồng thời đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ (trực tiếp là Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật; Cục Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục hướng dẫn địa phương thực hiện.
"Tôi đề nghị các đơn vị chức năng của bộ phối hợp với ngành liên quan tiếp tục tổng hợp những khó khăn, đề xuất của địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ giúp địa phương", Thứ trưởng Thái nói.
Ông cũng đề nghị Khánh Hòa Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, sản phẩm theo chuỗi giá trị, phục vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Bùi Toàn