Đơn vị nghiên cứu mới chỉ đặt mục tiêu về tăng trưởng doanh thu
Tại “Hội nghị tổng kết công tác khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022”, chiều 7/1, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT cho rằng: Năm 2021, bất chấp những khó khăn vì dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ vẫn đạt một số kết quả nhất định.
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; xây dựng nhiều thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; phát triển các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp.
Cùng đó góp phần giúp Bộ NN-PTNT hoàn thành 279 nhiệm vụ khoa học công nghệ, đẩy mạnh thực hiện công nhận vùng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lưu giữ an toàn 26.000 mẫu giống tại ngân hàng gen hạt giống.
Năm 2021, bất chấp những khó khăn vì dịch bệnh, công tác nghiên cứu khoa học vẫn đạt một số kết quả
Tuy nhiên bà Thủy cũng lưu ý một số hạn chế trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ. Hoạt động này còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chưa được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất. Thị trường khoa học công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực này còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả chưa cao.
Để kiểm nghiệm kết quả cũng như tác động của lĩnh vực này một cách thấu đáo cần thời gian vài ba năm tiếp sau, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết.
Là người phụ trách công tác đào tạo, nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ của Bộ NN-PTNT hiện mới đặt mục tiêu về tăng trưởng doanh thu, chứ chưa chủ động tìm đầu ra cho các công trình nghiên cứu, hay chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra vấn đề "chảy máu chất xám" đang tồn tại. Một thách thức nữa với công tác nghiên cứu khoa học, là căn bệnh hình thức. Ông kể câu chuyện về việc một số cán bộ nghiên cứu đến gặp và xin phép ông được thuyên chuyển công tác. Nguyên nhân bởi lương vài ba triệu đồng một tháng, hợp đồng được ký ngắn hạn. Có những cơ quan, đơn vị chỉ có vài cán bộ hội đồng khoa học, nhưng hàng năm phải duyệt hàng trăm đề tài nghiên cứu.
Phải làm thật, nghiên cứu thật, tạo ra sản phẩm thật
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khuyến cáo nếu ngành nông nghiệp không sớm thay đổi cách làm, rất khó để đáp ứng được yêu cầu thị trường. Cơ quan quản lý của Bộ NN-PTNT phải có trách nhiệm cởi trói và có những chính sách, chủ trương hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
Tăng doanh thu giúp các đơn vị khoa học, công nghệ tự chủ về kinh tế, nhưng chỉ là một phần vấn đề. Ngành nông nghiệp cần hướng đến việc nâng cao thu nhập bằng cách bán các công trình nghiên cứu, thay vì xoay vòng nguồn tiền để lấy chỗ nọ bù chỗ kia. Làm như vậy không thể tăng giá trị gia tăng, giá trị đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại“Hội nghị tổng kết công tác khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022”
Cũng theo ông Doanh, xu thế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị nghiên cứu, khoa học, công nghệ giúp ngành nông nghiệp năng động hơn. Đó là nhiệm vụ dứt khoát phải thực hiện.
“Toàn ngành nông nghiệp phải làm thật, nghiên cứu thật, tạo ra sản phẩm thật, có như vậy mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD mà Thủ tướng đặt ra cho ngành trong năm 2022", Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp cụ thể triển khai kế hoạch năm 2022, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết: Vụ sẽ thúc đẩy chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, truyền thông, đào tạo, tập huấn thông qua các mô hình, dự án khuyến nông cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tiếp tục hoàn thiện nhóm tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và kiểm tra chuyên ngành.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực và đổi mới sáng tạo.
Hà Anh